Cải cách hành chính và góc nhìn từ thực tiễn

Xây dựng một nền hành chính hiện đại, tăng tính phục vụ là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Cà Mau hướng đến.

Đến nay, bức tranh CCHC tại địa phương đã đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng, bên cạnh đó vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập. Không phải hiện nay, mà đã từ rất lâu, Đảng, Nhà nước xác định công cuộc CCHC là vấn đề thời đại của xu hướng phát triển mang tính toàn cầu hóa, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì điều này, công cuộc CCHC được xem là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, là tiền đề thực hiện nền dân chủ và các mặt khác của đời sống xã hội.

Quá trình tiến hành nhiều năm nay với những bước đi, lộ trình khác nhau từ thấp tới cao. Bắt đầu từ việc cải cách một bước thủ tục hành chính rong việc giải quyết các công việc của cá nhân, tổ chức, đến cải cách một bước nền hành chính nhà nước với ba nội dung: Cải cách thể chế hành chính; cải cách bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Hiện nay, CCHC đã chuyển sang một bước mới, với bốn nội dung: Cải cách thể chế hành chính; cải cách bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công. Công cuộc CCHC được thực hiện từng bước thận trọng, đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ và đang thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã cho chúng ta nhận diện những vấn đề bất cập: Cơ cấu, bộ máy chưa tinh gọn, còn chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền; ý thức cải cách của đội ngũ cán bộ chậm thay đổi, tinh thần, thái độ phục vụ còn chuyên quyền… Thêm vào đó là việc xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công tại các đơn vị sự nghiệp, đơn vị công lập, doanh nghiệp nhà nước được thực hiện, nhưng chưa có giải pháp quản lý nên chất lượng cung ứng dịch vụ còn là gánh nặng cho công dân.

Thái độ phục vụ, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức mặc dù có thay đổi, song khá chậm; việc thực thi cơ chế xin lỗi công dân, tổ chức về những sai sót của cơ quan hành chính, cán bộ, công chức trong thực thi công vụ chưa được thực thi nghiêm túc, làm cho mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, thân thiện không đạt kết quả như kỳ vọng. Những hạn chế này đang là trở ngại lớn tác động trực tiếp đến hiệu quả thực thi tiến trình cải cách, cũng là thách thức đang tồn tại từ lâu và mới nảy sinh, cần phải được giải quyết tích cực và có hiệu quả.

Để CCHC thực sự đi vào chiều sâu, thể hiện tính hiệu quả, thiết thực mà không phải là khẩu hiệu đơn thuần theo kiểu phong trào, trước nhất là phải hình thành cơ chế động lực nội tại bên trong, được đo lường thông qua mức độ tư duy nhận thức đầy đủ, chính xác về vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ CCHC trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, xóa bỏ những dấu ấn của mô hình quản lý truyền thống lỗi thời vẫn còn khá đậm nét trong tư duy nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước ta hiện nay.

Lực lượng cải cách trong bộ máy hành chính là nhân tố nòng cốt để thực thi hiệu quả mục tiêu cải cách, cần có cơ chế xây dựng và hình thành lực lượng cán bộ công chức nòng cốt, có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ về cải cách đủ sức nghiên cứu, hoạch định chiến lược với những giải pháp cải cách mang tính khả thi cao, được ứng dụng trên thực tiễn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *