Cái Nước ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Hùng Em (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra tại lò giết mổ xã Hưng Mỹ.

Huyện ủy, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo và tổ chức quán triệt đến tất cả cán bộ chủ chốt các ban, ngành huyện, đảng ủy, UBND các xã, thị trấn, bí thư chi bộ và trưởng các ấp, khóm. Ngành chức năng phối hợp với các địa phương đã cho làm cam kết đối với hơn 2.400 hộ chăn nuôi với quy mô lớn, cơ sở kinh doanh và các lò giết mổ, thực hiện quy định bắt buộc trong công tác ngăn ngừa, phòng chống bệnh DTLCP. Ban Chỉ đạo huyện, Đội kiểm tra liên ngành, Đội phản ứng nhanh của huyện và Đội phòng chống dịch của các xã, thị trấn đã được thành lập; tất cả đã bắt tay vào cuộc, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý việc vận chuyển lợn và các sản phẩm thịt lợn trên địa bàn huyện.

Trên địa bàn huyện Cái Nước có 6 lò giết mổ gia súc tập trung và 10 điểm giết mổ nhỏ lẻ hoạt động không thường xuyên. Có 82 cơ sở mua bán thịt lợn, tập trung nhiều ở thị trấn Cái Nước, xã Tân Hưng, Hưng Mỹ và Thạnh Phú. Trung bình một ngày đêm, các cơ sở giết mổ từ 100 – 140 con lợn, cung ứng khoảng 14 tấn thịt thành phẩm cho thị trường trong huyện và các huyện: Đầm Dơi, Phú Tân và Năm Căn.

Cán bộ Thú y vệ sinh tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển lợn nhập tỉnh vào lò giết mổ.

Kỹ sư Lý Hùng Hiển, Trưởng trạm Chăn nuôi – Thú y huyện, cho biết hàng ngày các lò giết mổ tập trung tại huyện nhập lợn ngoài tỉnh về trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 19 giờ. Tại tất cả các lò giết mổ đều có cán bộ Thú y trực 24/24 giờ để kiểm tra giấy phép vận chuyển và giấy kiểm dịch từ gốc của cơ quan chức năng khi nhập vào địa bàn tỉnh Cà Mau; các phương tiện vận chuyển đều được phun thuốc sát trùng trước khi nhập lợn vào lò. Trước và sau khi giết mổ lợn đều được cán bộ Thú y kiểm tra, đồng thời tiến hành lăn dấu kiểm soát trước khi vận chuyển cung ứng thịt ra thị trường.

Mặc dù bệnh DTLCP diễn biến phức tạp tại các tỉnh ĐBSCL, nhưng nhờ tăng cường công tác tuyên truyền cùng với công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ của chính quyền và ngành chức năng các cấp nên hoạt động mua bán, giết mổ lợn trên địa bàn huyện Cái Nước vẫn diễn ra bình thường. Người dân vẫn không quay lưng với thịt lợn. Tuy nhiên, việc tái đàn có phần chựng lại. Qua thống kê, hiện toàn huyện có tổng đàn lợn 8.684 con, trong đó có 15 hộ nuôi với quy mô từ 10 con trở lên, còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình.

Trước tình hình bệnh DTLCP ngày càng diễn biến phức tạp, từ ngày 25/5, công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển, giết mổ và mua bán thịt lợn trên địa bàn huyện được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Chủ tịch UBND huyện Phạm Phúc Giang chỉ đạo Trạm Chăn nuôi – Thú y phối hợp với các xã, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, bắt buộc 10 điểm giết mổ nhỏ lẻ đưa heo vào lò tập trung gần nhất giết mổ, để cơ quan chức năng kiểm soát và lăn dấu trước khi tiêu thụ. “Những trường hợp vi phạm trong việc vận chuyển lợn, mua bán thịt lợn không có giấy tờ hợp lệ và không có dấu kiểm soát của cơ quan Thú y, lực lượng chức năng sẽ tịch thu, tiêu hủy và xử lý theo quy định. Tất cả các lò giết mổ tập trung và cơ sở mua bán thịt lợn phải được kiểm tra, tiêu độc khử trùng hàng ngày”, kỹ sư Lý Hùng Hiển thông tin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *