Cái tâm của người cán bộ!

Thể hiện quyết tâm trên, người đứng đầu Nhà nước của tỉnh cho biết sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát, thường xuyên đánh giá tình hình thực hiện, có biện pháp xử lý nghiêm khắc người đứng đầu tổ chức; đồng thời chỉ đạo xử lý các đơn vị cấp dưới và cán bộ, công chức thực hiện không tốt công tác CCHC, còn chậm trễ trong giải quyết công việc, để cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh quán triệt nghiêm túc nội dung trên.

Nói về trách nhiệm của người cán bộ, công chức trong CCHC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân: Trách nhiệm phải đi liền với cái tâm của người cán bộ. Phó Chủ tịch dẫn chứng, có những thủ tục hay đề án, nhà sản xuất thuê các doanh nghiệp chuyên môn thực hiện, khi nộp vào cơ quan nhà nước xem xét thì khó được chấp thuận, nhưng khi thuê cán bộ chúng ta làm với giá gấp đôi, gấp ba mà chất lượng kém hơn bên ngoài nhưng lại được thông qua. Đây là gì, phải chăng trách nhiệm và cái tâm của người cán bộ không được đặt đúng vị trí, vai trò được giao? – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặt câu hỏi và đề nghị cần xem lại vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân trăn trở: Đất nước đang hội nhập sâu, làm khó doanh nghiệp là làm khó chính chúng ta bởi hàng hóa nội địa sẽ thiếu tính cạnh tranh, kinh tế địa phương kém phát triển.

CCHC dù đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, song những năm qua chưa có sự chuyển biến, đây là biểu hiện của việc “trên bảo dưới không nghe”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành kinh tế – xã hội năm 2015 của UBND tỉnh và triển khai công tác cải cách hành chính năm 2016.

Một thực tế đã qua gây bức xúc trong dư luận, mỗi lần người bệnh đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi có yêu cầu cần chụp CT để chẩn đoán bệnh thì buộc phải di chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải để chụp, bởi lý do là máy chụp CT của Bệnh viện bị hỏng. Điều đáng nói là dù UBND tỉnh đã chỉ đạo xã hội hóa trong đầu tư trang thiết bị y tế, song ngành Y tế vẫn nhiều lần kiến nghị tỉnh cho cơ chế. “Tôi rất không đồng tình với đồng chí Giám đốc Sở (ông Huỳnh Quốc Việt – PV) khi đề nghị UBND tỉnh có cơ chế trong xã hội hóa thiết bị y tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh và cho rằng cơ chế hoạt động trong ngành Y nằm trong tâm của người thầy thuốc, của người quản lý ngành. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ rõ: Giá dịch vụ y tế đã được HĐND tỉnh quy định; bệnh không cần thiết mà thầy thuốc yêu cầu chụp CT, siêu âm để thu tiền, thì Hội đồng chuyên môn của ngành kiểm tra, nếu sai sót vài lần thì kiểm điểm, nhiều lần thì chứng tỏ trình độ chuyên môn yếu kém, phẩm chất đạo đức không tốt, khi đó sẽ xử lý tới nơi tới chốn, cần thiết thì đưa vào diện tinh giản biên chế.

Trong diễn biến liên quan đến ngành Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: “Việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh diễn ra quá chậm, dù tỉnh đã chỉ đạo kiên quyết nhiều năm. Tôi đề nghị Giám đốc Sở Y tế phải chỉ đạo mạnh dạn, quyết liệt, không sợ trách nhiệm”.

Ông Đoàn Quốc Khởi, Quyền Giám đốc Sở Tài chính tỉnh, cho biết từ năm 2011 – 2014, ngành Giáo dục để mất cân đối 78 tỷ đồng, nguyên nhân là do dư thừa giáo viên các cấp. Hiện toàn tỉnh dư thừa 1.300 giáo viên các cấp. Như vậy, mỗi năm Cà Mau phải bỏ ra trên 52 tỷ đồng cho số lượng giáo viên hợp đồng này, trong khi đó một số nơi thiếu giáo viên, lại phải cấp trên 17 tỷ đồng cho dạy tăng giờ.

Nợ tiền lương giáo viên cùng các chính sách dành cho giáo viên, không có nguồn chi trả, nhiều lần lãnh đạo UBND huyện Cái Nước kiến nghị UBND tỉnh xử lý giúp đối với số lượng giáo viên dư thừa trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng đã nhiều lần Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân khẳng định đây là trách nhiệm của địa phương, bởi đã nhận vào thì phải có biện pháp xử lý. “Vấn đề này (dư thừa giáo viên – PV), tỉnh đã chỉ đạo 2 năm, tuy nhiên địa phương vẫn chưa có sự chuyển biến, chưa giải quyết được trường hợp cụ thể nào”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân phê bình.

Về vấn đề dư thừa giáo viên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các huyện, thành phố làm tốt việc rà soát lại tình trạng thừa, thiếu tại các địa phương, tăng cường công tác quản lý giáo viên. Đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chỉ đạo ngành Giáo dục thực hiện tốt vấn đề này. Giáo viên nơi nào thừa, không đạt chuẩn thì bồi dưỡng hoặc chuyển sang làm việc khác, giải quyết chính sách. Thống kê, báo cáo số lượng giáo viên thừa về Sở GD&ĐT để đơn vị này xem xét, điều chuyển sang những nơi còn thiếu. Nơi nào thiếu giáo viên phải dạy tăng giờ, cũng phải báo để có cách sắp xếp phù hợp. Các huyện, TP. Cà Mau phải xây dựng Đề án trong 2 năm (2016 – 2017), có lộ trình, mục tiêu cụ thể trong từng năm. Trong tháng 1 này phải xây dựng xong Đề án, trình UBND tỉnh. Địa phương nào không xây dựng được Đề án, không có lộ trình giải quyết tình trạng thừa – thiếu giáo viên, UBND tỉnh sẽ áp dụng quy tắc “3 không, 3 có”: Không xét khen thưởng đối với Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện; không xét nâng lương trước hạn Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện; không cấp bù kinh phí cho địa phương và sẽ có kiểm điểm, phê bình Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện; có điều chuyển công tác vì không hoàn thành nhiệm vụ; có kỷ luật, cách chức Chủ tịch UBND cấp huyện và Trưởng Phòng GD&ĐT huyện khi cần thiết.

Trở lại vấn đề về CCHC, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: “Tôi đề nghị ngay từ bây giờ, các ngành, các địa phương phải có kế hoạch cụ thể để triển khai, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CCHC. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, công tác kiểm tra, giám sát đến từng công chức, viên chức trong tỉnh, để hiểu đúng, làm đúng, đặc biệt là cần chấn chỉnh ngay lề lối, phương pháp làm việc của cán bộ. Trong quan hệ với các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, công dân, khi chúng ta giải quyết công việc không đầy đủ, không đúng thì phải biết xin lỗi. Thủ trưởng đơn vị phải là người đứng ra xin lỗi khi nhân viên mình làm chưa tốt, để xảy ra sai sót”.

Làm gì cũng phải có cái tâm, và đối với người cán bộ, trong xử lý công việc thì cái tâm cần phải được đề cao. Và trong thực thi công vụ, thấy sai mà biết xin lỗi là thể hiện nét văn hóa, sự văn minh, tiến bộ trong ứng xử trong xã hội phát triển, hội nhập.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *