Cải tạo ao đầm nuôi tôm đúng quy định, hướng đến bảo vệ môi trường

Toàn huyện Ngọc Hiển có hơn 23.200ha nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung nhiều ở mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi tôm sinh thái. Nhằm tạo điều kiện cho người dân có thêm thời gian để cải tạo lại vuông tôm cho vụ nuôi mới, ngành chuyên môn huyện tăng cường tuyên truyền để người dân đồng loạt sên, vét đất bùn, bắt đầu từ ngày 15/8 đến ngày 15/10. Trong quá trình cải tạo, đối với việc sên, vét ao tôm bằng máy khoan, máy bơm hút bùn hoặc xáng dây, cần cuốc, phải đảm bảo không được để bùn, đất trong ao tràn ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

Người dân cải tạo ao đầm, chuẩn bị thả giống.

Những năm trước, vào mùa cải tạo, tình trạng tôm chết, thất mùa thường xuyên xảy ra, một phần do thời tiết diễn biến phức tạp, phần do người dân thiếu ý thức trong việc cải tạo đất, sên, vét ao đầm khi kết thúc mùa vụ, gây ô nhiễm môi trường nước. Thực tế cho thấy, một số hộ dân do thói quen và cách làm truyền thống nên trong quá trình cải tạo sên, vét ao đầm, vẫn xả thải trực tiếp ra sông rạch mà không xây dựng ao chứa bùn hoặc sên bùn bên ngoài vào không qua xử lý. Điều này dễ gây ô nhiễm môi trường bên ngoài lẫn bên trong ao nuôi. Mặt khác, những trường hợp tôm chết, người dân chưa xử lý đã trực tiếp thải ra sông và mầm bệnh sẽ ẩn trong đất, gây dịch bệnh kéo dài, gây bất lợi cho vụ nuôi tiếp theo, cũng như bất lợi cho những hộ nuôi xung quanh muốn lấy nước vào để nuôi tôm.

Đất bùn sau sên vét được hộ dân bao ví cẩn thận, không để tràn ra sông.

Trước những bất cập trong quá trình thực hiện cải tạo đất, sên vét vuông tôm, các ngành chức năng huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách thức sên vét không để tràn bùn ra môi trường, ảnh hưởng đến những hộ nuôi tôm trên địa bàn. Đa phần người dân đều đồng tình và tự giác sên vét bùn theo đúng quy định, bao ví đất chắc chắn, không để tình trạng tràn bùn ra sông như trước đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *