Cảm động những tấm gương vượt khó

Em Lê Chí Bảo vừa nhận được Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tại Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V, năm 2016 tại Thủ đô Hà Nội.

Nhiều người khuyết tật và trẻ mồ côi đã ý thức sâu sắc những khó khăn của bản thân và nỗ lực vươn lên, tự tin hơn, tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động xã hội, đoàn kết và tương trợ với những người đồng cảnh để cùng vươn lên. Những nỗ lực ấy không chỉ thể hiện ở thành tích học tập, lao động mà có khi là sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ, sống lạc quan và có niềm tin. Đặc biệt, những tấm gương đã trải qua sóng gió cuộc đời, thành công trong sự nghiệp đều có chung mong muốn phát triển hơn nữa để giúp người đồng cảnh, đó là điều rất quý và đáng trân trọng.

Thời gian qua, người tàn tật và trẻ mồ côi luôn được các cấp, ngành quan tâm đúng mức.

Với trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, các em phải chịu quá nhiều thiệt thòi về vật chất lẫn tinh thần. Không người nuôi dưỡng, lại thiếu vắng tình thương cùng sự chỉ bảo, nếu không có nghị lực và ý chí vươn lên, các em khó có thể vững bước trên đường đời.

Nhiều năm liền em Lê Chí Bảo đạt danh hiệu học sinh giỏi của Trường THCS Nguyễn Du (xã Tắc Vân, TP. Cà Mau). Em là trẻ mồ côi tiêu biểu vượt khó trong học tập, được biểu dương tại Hội nghị Người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V, năm 2016 tại Thủ đô Hà Nội. Em thiếu may mắn khi sinh ra trong gia đình bất hạnh, mẹ mất khi Chí Bảo mới lên 5, cha bỏ đi biệt xứ không có tin tức từ đó đến nay. Thấy cháu thơ dại bơ vơ côi cút, cậu mợ đem về cưu mang, nhưng hoàn cảnh gia đình cậu mợ cũng nghèo khó, túng thiếu, hàng ngày phải lo thuốc thang cho bà ngoại tuổi đã già và 4 đứa con nhỏ. Một lần nữa, những giọt nước mắt tình thâm đã rơi khi cậu mợ dằn lòng đưa Bảo vào Trung tâm Bảo trở xã hội tỉnh, với hy vọng cuộc đời đứa cháu mình sẽ tốt đẹp hơn. Chí Bảo nhớ lại: “Những ngày đầu ở Trung tâm, con vừa ngạc nhiên vừa lạc lõng, thiếu tình thương gia đình và người thân. Bao đêm con đã khóc vì tủi thân. Nhưng dưới “mái nhà chung” này, con như được “tái sinh”.” Đáp lại sự yêu thương của các cha, các mẹ, sự đùm bọc chân thành của các anh chị em tại Trung tâm, bước qua khó khăn, không gục ngã trước số phận, nhiều năm liền Chí Bảo đạt danh hiệu học sinh giỏi của Trường Tiểu học Kim Đồng. Và khi chuyển lên THCS, em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi trong học kỳ I năm học 2015 – 2016 của Trường THCS Nguyễn Du. Chí Bảo chia sẻ: “Cuộc sống con đã gặp nhiều bất hạnh nên con sẽ cố gắng học tập để sau này trở thành giáo viên tốt, truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm mà mình có được cho đàn em, giống như con đã từng được dạy dỗ”. Cô Mã Thị Ngọc Nhiều, cán bộ quản lý tại Trung tâm Bảo trợ xã hội: “Không chỉ học giỏi, Chí Bảo còn là tấm gương sáng cho các bạn, các em tại Trung tâm về nghị lực vượt khó, siêng năng, biết quan tâm giúp đỡ mọi người”.

Phạm Thúy Vy (trái) và Nguyễn Kim Cương là hai học sinh tiêu biểu của Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Cà Mau.

Em Trần Kim Cương, học sinh lớp 6 và Phạm Thúy Vy, học sinh lớp 7 – Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Cà Mau – vừa lọt lòng mẹ đã không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Cả hai đều bị câm điếc nhưng bốn năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hoàn cảnh gia đình Kim Cương cũng rất khó khăn, cha bỏ đi khi em còn rất nhỏ, một mình mẹ phải vất vả nuôi hai chị em khôn lớn bằng nghề bán bánh ú. Chị của Kim Cương nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Thấy mẹ và chị vất vả, Kim Cương đã nỗ lực, ra sức học tập.

Mỗi em một hoàn cảnh nhưng với ý chí và nghị lực, các em đã vượt qua số phận, không chỉ học giỏi, các em còn sớm tự lập, trưởng thành hơn, biết tự chăm sóc mình và mọi người xung quanh. Là hai gương mặt tiêu biểu đại diện cho các em khuyết tật vượt khó, là tấm gương sáng cho các bạn cùng trang lứa noi theo, Kim Cương và Thúy Vy còn là những “gương mặt sáng giá” trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở trường.

Nhận thức rõ những khuyết điểm của mình, hơn ai hết người khuyết tật phát huy tối đa sức mạnh về ý chí, nghị lực trước mọi thách thức của cuộc sống. Là người khuyết tật tiêu biểu vượt khó trong lao động sản xuất, anh Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1966, tại huyện Đầm Dơi, được mọi người biết đến với vai trò là người bảo trợ, bởi anh luôn quan tâm giúp những người nghèo khó, cùng cảnh ngộ. 10 tuổi, anh bị bệnh và di chứng để lại là bị liệt nửa người, đi lại khó khăn. Đến tuổi trưởng thành, lập gia đình, vượt qua tất cả khó khăn, cần mẫn lao động, vợ chồng anh mua được 1,5ha đất và xây được nhà khang trang. Không dừng lại đó, vốn là người giỏi tính toán, tiết kiệm chi tiêu, không lâu sau anh mua thêm đất, hiện tại gia đình anh có 5ha đất nuôi trồng thủy sản, mang lại thu nhập rất ổn định. Từ đó anh có điều kiện giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Anh cũng là một trong những gương người khuyết tật đại diện cho Cà Mau dự Hội nghị tuyên dương toàn quốc tại Hà Nội vừa qua.

Trong cuộc sống, còn có rất nhiều tấm gương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu. Từng ngày, từng giờ, họ vẫn vươn lên làm nhiều điều có ích cho xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *