Cần chủ động đảm bảo nguồn khí phục vụ sản xuất

Lượng khí khai thác tại mỏ thuộc vùng chồng lấn với Malaysia phục vụ Cụm công nghiệp trọng điểm quốc gia Khí – Điện – Đạm Cà Mau (xã Khánh An, huyện U Minh) sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới. Từ đây, các đơn vị sử dụng sản phẩm khí để sản xuất buộc phải giảm công suất hoạt động, hiệu quả sản xuất sẽ không đạt kế hoạch, việc hoàn trả nguồn đầu tư từ ngân sách sẽ gặp nhiều trở ngại và việc thu hồi vốn khả năng sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội tại nhiều địa phương, nhất là Cà Mau.

Dự án Cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn/năm tại Nhà máy Đạm Cà Mau (ngã ba sông Cái Tàu) đang được đẩy nhanh tiến độ.

Hiệu quả sản xuất

Khó khăn nhất có lẽ là Nhà máy Đạm Cà Mau, bởi nếu hoạt động khoảng 50% công suất sẽ không hiệu quả, thị phần sẽ khó cạnh tranh.

Năm qua, lượng khí cấp cho Nhà máy Đạm đã có lúc thiếu hụt. Tuy nhiên, Nhà máy vẫn vận hành đạt công suất trung bình 103% so với thiết kế (công suất tối đa là 110%), góp phần quan trọng hoàn thành chỉ tiêu sản xuất năm 2018 sớm hơn 28 ngày so với kế hoạch. Cụ thể, Nhà máy đạt sản lượng sản xuất 812 ngàn tấn (đạt 108% kế hoạch), sản lượng tiêu thụ 944 ngàn tấn. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 6.880 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 706 tỷ đồng. Sản phẩm Đạm Cà Mau tiếp tục đóng vai trò là chỗ dựa quan trọng cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp ĐBSCL nói riêng khi chiếm đến 60% thị phần tại khu vực này. Đạm Cà Mau còn là một trong những doanh nghiệp phân bón tiên phong trong việc thâm nhập thị trường nước ngoài, khi sản phẩm của đơn vị hiện đã chiếm 38% thị phần ure tại Campuchia.

Nhận rõ nhu cầu và tiềm năng phát triển, Đạm Cà Mau đã triển khai hai dự án trọng tâm gồm Dự án đầu tư sản xuất phân bón phức hợp từ urê nóng chảy công suất 300.000 tấn/năm và Dự án Cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn. Dự kiến 2 dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trong Quý II/2019.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải (bìa phải) tìm hiểu tiến độ xây dựng, quy mô sản xuất phân bón phức hợp từ urê nóng chảy.

Giải pháp tối ưu là nhập khí qua đường ống sẵn có

Tuần qua, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã có buổi làm việc tại Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy Xử lý khí Cà Mau nhằm tìm hiểu những khó khăn của các đơn vị, nhất là ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh khi dự báo lượng khí cung cấp sẽ thiếu hụt trong thời gian tới.

Lãnh đạo Nhà máy Đạm Cà Mau cho rằng, lượng khí khai thác cung cấp những năm gần đây đôi lúc không đảm bảo cho nhà máy hoạt động hết công suất, khan hiếm nên giá khí tăng liên tục cũng là một trở ngại, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của đơn vị.

Ông Nguyễn Phúc Tuệ cho biết, hiện đã lên 3 phương án nhằm bổ sung nguồn khí cấp cho các đơn vị sản xuất trong Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm, trong đó tối ưu nhất là mua khí từ Malaysia và cấp thông qua đường ống dẫn khí sẵn có. Giải pháp này không những đáp ứng được nhu cầu trước mắt mà còn thuận lợi trong hợp tác. Bên cạnh đó, kiến nghị lên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, mong muốn lãnh đạo tỉnh góp thêm tiếng nói trực tiếp lên các Bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ, cũng như đưa lên nghị trường nhằm tạo sự đồng thuận, kịp thời gỡ khó. 

Bồn chứa khí thương phẩm tại Nhà máy Xử lý khí Cà Mau.

Trên cơ sở đề xuất của Công ty Khí Cà Mau về nhu cầu cần cấp bù lượng khí đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho biết tỉnh sẽ có văn bản đề xuất trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ, cho chủ trương nhằm giải quyết thực trạng thiếu khí trước mắt cũng như có những giải pháp lâu dài, trong đó có việc đấu nối tuyến ống Lô B vào đường ống dẫn khí của tỉnh, vì đang có nhu cầu, phục vụ sản xuất, kinh doanh đang rất hiệu quả.

Về lâu dài, ông Nguyễn Tiến Hải cho rằng cần hình thành những cảng dịch vụ phục vụ nhập khí bằng đường biển, cũng như tận dụng khai thác các mỏ khí nằm trên thềm lục địa Tây Nam mũi Cà Mau. Hiện có nhiều nhà đầu tư tiềm năng mong muốn xây dựng các nhà máy điện, khí tại các tỉnh Tây Nam Bộ, trong đó trọng điểm là Cà Mau. “Việc chủ động và đảm bảo nguồn khí phục vụ sản xuất là hướng đi chiến lược không riêng cho địa phương, khu vực mà còn mang tầm quốc gia”, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *