Cần chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh kế hoạch ứng phó thiên tai

Xử lý sự cố tại tuyến đê biển Tây – điểm sáng về sự chung sức của nhân dân

Hạn hán đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, việc khắc phục những sự cố này đã qua và hiện nay, cũng như tới đây, chỉ là bước đầu và mang tính tạm thời, chưa có giải pháp, phương án căn cơ nhằm ứng phó hiệu quả, bền vững mỗi khi xảy ra thiên tai.

Hạn hán đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông vùng ngọt Cà Mau, để lại hậu quả chưa thể khắc phục triệt để trong thời gian ngắn.

Nêu ra những bài học kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai, ông Sử cho rằng, việc huy động kịp thời và chủ động, tham gia tích cực của người dân trong xử lý sự cố xảy ra tại tuyến đê biển Tây (đoạn gần cống Kinh Mới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) vào tháng 8/2019 được ghi nhận như là điểm sáng, cần tiếp tục phát huy, bởi qua đó cho thấy vai trò, trách nhiệm và ý thức của cộng đồng cùng chung sức ứng phó trước thiên tai.

Điều kiện tự nhiên đã tác động đến mọi mặt đời sống và sản xuất của người dân, thế nên cần linh hoạt, điều chỉnh kế hoạch phòng chống thiên tai kịp thời, chủ động; tuy nhiên, xét trên thực tế, vấn đề thực hiện công việc này trong mùa khô 2019 – 2020 trên địa bàn còn nhiều hạn chế – nêu lên điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ, ngay trong tháng 9/2019, Trung ương đã phát đi cảnh báo tình hình hạn hán, tuy nhiên mãi đến tháng 11, chúng ta mới xây dựng hoàn thiện được kế hoạch điều chỉnh, như thế là rất chậm, không kịp thời, và bất cập này đến từ các địa phương, dù tỉnh đã có chủ trương, chỉ đạo liên tục. “Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc”, ông Sử nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án khắc phục sạt lở chân đê

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nhất là sụt lún đất, cần khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục, theo phân cấp mà làm, không được trông chờ từ cấp trên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hơn nữa trong xử lý công trình, đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án khắc phục sạt lở chân đê, bởi mùa mưa bão đang tác động hàng ngày.

Từ thực tế vấn đề nước cho sinh hoạt và sản xuất vẫn mãi điệp khúc “mưa thừa – nắng thiếu”, thừa thì còn bơm bỏ được, nhưng thiếu thì đành “bó tay”, buộc chúng ta phải chủ động và linh hoạt hơn trong điều chỉnh để phù hợp, thích ứng. Đó là điều chỉnh quy hoạch sản xuất, trong đó có điều chỉnh quy hoạch thủy lợi hay điều chỉnh hệ sinh thái; điều chỉnh cây trồng, vật nuôi, hay điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất… Đi cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ tích cực cho người dân tích trữ nguồn nước mưa theo từng hộ gia đình, nhóm hộ gia đình hay khu vực, làm cơ sở triển khai, nhân rộng mô hình hiệu quả.

Nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Long Hoai – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh cho biết, hệ thống thủy lợi vùng sản xuất lúa – tôm hiện chưa khép kín, thiếu trạm bơm rửa mặn vào đầu mùa mưa (để trồng lúa), thiếu công trình ngăn mặn vào đầu mùa khô, nên sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, rủi ro rất cao.

Theo ông Hoai, hiện số lượng trạm quan trắc khí tượng thủy văn tại tỉnh còn rất ít, nhiều địa bàn không có trạm quan trắc. Điển hình như vùng ngọt hóa thuộc tiểu vùng II, III – Bắc Cà Mau (hai huyện Trần Văn Thời và U Minh) không có trạm thủy văn, nên không có cơ sở để xác định cấp độ rủi ro thiên tai, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các biện pháp cấp bách để xử lý. “Về chủ quan, công tác lập, điều chỉnh, triển khai Kế hoạch phòng, chống các tình huống thiên tai của địa phương chưa lường hết những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của thiên tai, nên có những giải pháp chưa thật phù hợp và hiệu quả. Việc triển khai thực hiện của chính quyền cơ sở có nơi chưa quyết liệt; một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức, chủ quan, làm theo lối cũ, không thực hiện khuyến cáo của chính quyền; một bộ phận thiếu chủ động, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Hoai nêu rõ.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, hạn hán trong mùa khô 2020 – 2021 nhiều khả năng là sẽ không gay gắt như mùa khô đã qua. Tuy nhiên, tình hình mưa bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường sẽ diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm những tháng cuối năm nay, cần chủ động trong thực hiện các giải pháp ứng phó, phòng tránh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *