Cần công bằng trong xử lý các hành vi vi phạm

Khu vực trung tâm TP. Cà Mau đang thiếu rất nhiều bãi giữ xe. Trong khi đó, các lực lượng chức năng chỉ tập trung xử phạt hành vi dừng, đỗ sai quy định gây nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông. Còn đối với hành vi chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi trông giữ, đậu đỗ phương tiện kinh doanh lại ít khi xử phạt. Đó là nguyên nhân khiến nhiều lòng đường tiếp tục bị lấn chiếm.

Xe taxi cứ vô tư đỗ dưới lòng đường để chờ khách là hình ảnh rất quen thuộc trong thành phố, không những gây mất vẻ mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông của những người đi đường. Ghi nhận trên tuyến đường Phan Ngọc Hiển, Phường 5, TP. Cà Mau, mặc dù đây là tuyến đường chính có lưu lượng xe qua lại khá đông đúc nhưng lòng đường lại bị nhiều taxi chiếm dụng làm bãi đậu. Trước cửa nhà hàng, khách sạn lớn trong khu vực này là “điểm nóng” của việc chiếm dụng lòng đường. Theo quan sát, đa phần là xe của hãng Taxi Mai Linh. Vào sáng sớm và xế chiều, có trên chục chiếc taxi đậu, đỗ tại đây để chờ khách. Vấn đề này đã xuất hiện từ lâu nhưng vẫn chưa có động thái xử lý của ngành chức năng.

Nhiều xe taxi đậu chờ khách ngay dưới lòng đường trong thời gian dài mà chưa bị xử lý. (Ảnh chụp trên đường Phan Ngọc Hiển – TP. Cà Mau).

Một nghịch lý dễ nhận thấy, như lời của ông Thắng thì xe của hãng được quyền đậu, đỗ trong khu vực “hợp pháp” của các cơ sở kinh doanh đã được đơn vị này ký hợp đồng trước đó. Điểm “hợp pháp” này lại được nhiều tài xế định vị là dưới lòng đường, chắn lối lưu thông của xe máy. Những địa điểm này phải chăng là “hợp pháp” như lời ông Thắng nói?

Ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cà Mau: “Trên địa bàn thành phố chỉ có duy nhất tuyến đường Lê Đại Hành (Phường 5) là được UBND thành phố cho phép taxi đậu xe chờ khách. Nhưng đây cũng chỉ là bãi tạm. Ngoài tuyến đường này, các hãng xe không được phép đậu xe ở những tuyến đường khác”.

Những hành vi vi phạm chẳng khác gì mấy với xe taxi đậu dưới lòng đường để chờ khách, đó là chuyện của những người buôn gánh bán bưng trên vỉa hè và một số người dân mắc lỗi chủ quan khi đậu xe tạm thời dưới lòng đường để mua sắm hàng hóa. Tuy nhiên, chỉ có cái khác ở đây là đối với các hành vi này thì lại “được” xử lý khá “bài bản”.

Bị tịch thu xe đem về phường vì đậu xe máy dưới lòng đường cũng là hình ảnh khá quen thuộc tại khu vực chợ Phường 2. Tuy nhiên, ở vi phạm này với cái nhìn khách quan thì lỗi hoàn toàn không phải ở người dân. Mà một phần là do bãi giữ xe ở khu vực quá nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu; những cơ sở kinh doanh thì cũng không có sân bãi riêng để giữ xe của khách, khi có nhu cầu mua hàng hóa thì khách chỉ còn có cách đậu xe dưới lòng đường.

Ông Huỳnh Thanh Dũng: “Quy định xử phạt đối với trường hợp lấn chiếm lòng đường, hè phố được áp dụng đối với những hành vi vi phạm. Không phân biệt đối tượng nào. Riêng đối với trường hợp những đối tượng buôn bán nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp, theo cách hiểu dân gian là “buôn gánh bán bưng” hầu hết là những hộ nghèo. Vì thế cho nên UBND thành phố có chỉ đạo các địa phương cố gắng áp dụng hình thức hướng dẫn, nhắc nhở là chính. Hạn chế tịch thu hàng hóa, phương tiện buôn bán”.

Xử lý những trường hợp lấn chiếm lòng đường, hè phố như những gì diễn ra trong thời gian qua đã và đang gây bức xúc trong dân. Thiết nghĩ, trong vấn đề này, ngành chức năng cần có những hành động phù hợp hơn đảm bảo sự công bằng của xã hội và sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với hành vi xe máy dừng đỗ sai quy định sẽ bị xử phạt từ 100 – 200 ngàn đồng, với ô tô từ 600 – 800 ngàn đồng.

Phạt tiền từ 100 – 200 ngàn đồng với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng.

Phạt tiền từ 300 – 400 ngàn đồng đối với cá nhân, từ 600 – 800 ngàn đồng đối với tổ chức chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Để xe; trông, giữ xe; bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng.

Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 – 6 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi dựng lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *