Cần đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Thực hiện tinh thần các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh xác định bắt buộc tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát. Đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát, giám sát phương tiện hoạt động trên biển nhằm giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tính đến ngày 1/8, tỉnh Cà Mau có 1.273/1.602 tàu cá đã lắp đặt (đạt 79,46%). Trong đó, số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên là 48/53 chiếc (đạt 90,57%), từ 15m đến dưới 24m là 1.225 chiếc (ngoài ra còn có 4 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15m tự nguyện lắp đặt). Đồng thời, từ số liệu điều tra, thống kê và xác minh của địa phương, còn 329 tàu cá chưa lắp đặt, tất cả các tàu cá này đến nay đều trễ hạn đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra nghiêm đối với phương tiện chưa tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và không cho ra khơi đánh bắt. Nếu phương tiện nào cố tình che chắn thiết bị để bị mất kết nối sẽ bị phạt nặng.

Tỉnh cũng đã phân quyền 61 tài khoản giám sát đến các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nhiệm vụ giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị của tỉnh khai thác, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá tại phần mềm dùng chung của Tổng cục Thủy sản (theo quy định tại Điều 44, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản). Các tính năng tại phần mềm dùng chung này được hoàn thiện dựa trên cơ sở các tính năng của phần mềm dùng chung tỉnh Cà Mau trước đây, nên việc khai thác và xử lý dữ liệu không gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, có tình trạng là sau thời gian triển khai lắp đặt thiết bị thông tin vệ tinh (VMS) trên tàu cá, số lượng tàu cá mất tín hiệu kết nối vệ tinh do không đóng cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình, thường xuyên ở mức cao. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Châu Công Bằng cho biết: “Tỉnh Cà Mau đã tiên phong thực hiện bắt buộc lắp đặt thiết bị VMS trước khi Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực, nên chủ tàu cá của tỉnh đã chịu một phần thiệt thòi trước một thời gian so với mặt bằng chung của cả nước. Bên cạnh đó, cùng với sự ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 đã tạo thêm sức ép đối với kinh phí vươn khơi, bám biển của phần lớn ngư dân tỉnh nhà. Do vậy, việc hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá đối với chủ tàu là rất cần thiết, thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước trong việc tạo điều kiện phát triển cho ngư dân và tăng cường hiệu quả quản lý tàu cá hoạt động trên biển của các cơ quan chức năng”.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, số tàu mà nguyên nhân chưa lắp đặt là do tàu đã bán đi khỏi địa phương, chủ tàu không còn lưu trú ở địa phương, không nắm được hiện trạng là 22 chiếc; tàu nằm bờ tạm ngưng hoạt động do không hiệu quả, khó khăn kinh tế, thiếu thuyền viên đi biển 153 chiếc; tàu bị nước ngoài bắt giữ chưa chuộc về 6 chiếc; 148 tàu đang hoạt động không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng (ở các cửa biển không có Trạm Kiểm soát biên phòng, quanh các đảo, hòn trong, ngoài tỉnh…).

Bên cạnh nguyên nhân do chủ tàu không đóng phí, dẫn đến nhà cung cấp ngắt kết nối, thì tình trạng tàu cá mất kết nối nhưng chưa rõ nguyên nhân vẫn còn thường xuyên xảy ra (chiếm 15% tổng số thiết bị lắp đặt). Theo ngành chuyên môn, điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Đội Kiểm tra liên ngành 335, Chi cục Thủy sản đã tổ chức làm việc với nhiều hộ dân, các nhà cung cấp thiết bị, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra hướng xử lý. Các ngư dân và nhà cung cấp đổ lỗi cho nhau, trong khi cơ sở pháp lý xử phạt vi phạm hành chính chưa được hướng dẫn rõ ràng; chưa phân vai, trách nhiệm cụ thể cơ quan chủ trì trong việc xử lý xử phạt các hành vi liên quan đến giám sát hành trình tàu cá.

Các phương tiện khai thác thủy sản khi được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì dù hoạt động khai thác ở đâu, ngành chức năng và gia đình cũng sẽ kiểm soát được, thông qua kết nối với điện thoại thông minh.

Thời gian qua, công tác phối hợp của các đơn vị có liên quan còn chậm, chưa quyết liệt và chưa kịp thời, chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý. Còn một số nhà mạng chưa thực sự quyết liệt, theo dõi, quan tâm đúng mức, phối hợp đôi khi chưa chặt chẽ với cơ quan chức năng trong xử lý các tình huống đột xuất, thường xuyên. Sở NN&PTNT cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã chỉ đạo tổ chức làm việc với 116/198 trường hợp tàu cá mất kết nối (sau khi làm việc đã kiểm tra khắc phục lỗi, chủ tàu đã đóng phí… và có kết nối trở lại). Các tàu không làm việc được là do phần lớn thường xuyên hoạt động ngoài biển, thời gian chuyến biển dài, thiết bị giám sát hành trình được gắn liền với con tàu nên việc liên hệ với chủ tàu cá và để kiểm tra kỹ thuật thiết bị rất khó; rồi khi làm việc được với chủ tàu thì không có nhà cung cấp thiết bị đến, cũng rất khó khăn khi hai bên không đi được đến thống nhất chung.

Để từng bước hoàn thiện và thực hiện nghiêm vấn đề này, theo ông Châu Công Bằng: “Thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm các giải pháp đã được UBND chủ trương, chỉ đạo thống nhất trong thời gian qua: Bắt buộc lắp đặt, kiểm tra, kiểm soát có liên quan đến giám sát tàu cá (đã lắp đặt, có tín hiệu, có đóng phí, niêm phong…) mới cho tiến hành đăng ký, đăng kiểm, ra biển hoạt động khai thác thủy sản; kiểm soát chặt chẽ về niêm phong, tín hiệu kết nối khi xuất nhập Trạm Kiểm soát Biên phòng, cập/rời cảng cá chỉ định. Đồng thời, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, chủ trì làm việc với các nhà cung cấp thiết bị và có quy định rõ, nếu thiết bị lỗi do nhà mạng thì nhà mạng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trường hợp chủ tàu cá cố tình che chắn khiến thiết bị mất kết nối thì cần chứng minh được, để làm cơ sở xử lý theo quy định”.

Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm nhưng vẫn đáng lo ngại

Ngày 8/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp lần 4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU với sự tham gia của Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 8/2020, cả nước xảy ra 57 vụ, 92 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Con số này của cùng kỳ năm 2019 là 110 vụ và 181 tàu bị bắt giữ, xử lý. Trong đó, các địa phương có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý vẫn tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang (34 vụ/58 tàu), Cà Mau (5 vụ/8 tàu), Bến Tre (6 vụ/7 tàu), Bà Rịa – Vũng Tàu (4 vụ/6 tàu), Bình Định (3 vụ/6 tàu), Khánh Hòa (1 vụ/3 tàu), Bạc Liêu (1 vụ/1 tàu), Tiền Giang (1 vụ/1 tàu), Quảng Ngãi (1 vụ/1 tàu).

Các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam tập trung tại Malaysia (19 vụ/32 tàu), Indonesia (12 vụ/26 tàu), Thái Lan (12 vụ/15 tàu), Campuchia (11 vụ/15 tàu), Philippines (3 vụ/4 tàu).

Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tính đến hiện nay có giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng chưa vững chắc, vẫn còn diễn biến phức tạp. Các tỉnh Bến Tre, Cà Mau; đặc biệt là Kiên Giang, các vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý chưa giảm, vẫn còn tình trạng sơn tàu, mang biển số giả của nước ngoài… để cố tình vi phạm.

Liên quan tình trạng này, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đánh dấu tàu cá theo quy định. Tình trạng tàu cá thường xuyên mất kết nối thiết bị VMS với trạm bờ vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Bến Tre, Nghệ An… Đến nay, mới chỉ có tỉnh Bình Định, Ninh Bình, Phú Yên đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá theo quy định.

Ông Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) theo khuyến nghị của EC tại Công thư ngày 19/12/2019, sau đợt kiểm tra lần thứ 2 tại Việt Nam, tính đến ngày 31/8, số lượng tàu cá cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15m trở lên, đạt tỷ lệ 80,61%. Trong đó tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên là 2.204/2.600 tàu, đạt tỷ lệ 84,77%; tàu cá dài từ 15m đến dưới 24m là 22.667 tàu, tỷ lệ đạt 80,23%.

(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *