Cần khoảng 82 tỷ đồng giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo thống kê, tổng số hộ dân nông thôn tại Cà Mau là 225.885 hộ. Trong đó, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh là 204.566 hộ, chiếm tỷ lệ 90,56%, số sử dụng nước đạt QCVN 02/BYT là 99.838 hộ, đạt tỷ lệ 44,2%, số hộ chưa chủ động được nguồn nước sinh hoạt là 22.000 hộ, gần 10%.

Hiện tại, địa phương có 239 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Trong đó có 139 công trình không có hệ thống lọc nước sạch, đến nay 36 công trình đã hư hỏng và kém hiệu quả.

Nước sinh hoạt 100% sử dụng nước ngầm, do nguồn nước mặt bị nhiễm phèn, mặn. Nước mặt chủ yếu phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản.

Mở rộng tuyến ống dẫn nước tại các trạm cấp nước hiện có và xây dựng mới tại khu vực đông dân cư, là giải pháp được đặt lên hàng đầu trong giải quyết vấn đề nước sinh hoạt tại địa phương.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa khô năm nay diễn biến khá phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Hiện tại, nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt tại nhiều địa phương trong tỉnh bị thiếu hụt rất nhiều, hệ thống sông rạch vùng ngọt hóa bị khô cạn, mực nước ngầm tụt giảm đáng kể so với những năm trước, lượng nước mưa bồi trúc không đủ thay thế lượng nước ngầm đã khai thác… Từ đó, những giếng nước ngầm nhỏ lẻ hộ dân dùng bơm công suất nhỏ hoặc dùng bơm tay gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhưng khó khăn nhất là thuộc khu vực các xã: Tân Lộc Đông (huyện Thới Bình); Khánh Hòa, Khánh Tiến (huyện U Minh); Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời); Tân Duyệt, Ngọc Chánh, Quách Phẩm Bắc (huyện Đầm Dơi); Hiệp Tùng, Hàng Vịnh (Năm Căn); Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển), Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân).

Tính đến nay, cũng đã có hơn 4.600 hộ thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Trong số này, có số lượng không nhỏ người dân phải vận chuyển nước từ nơi khác về để sinh hoạt hoặc mua nước đóng chai dùng cho ăn uống.

Trước thực trạng này, giải pháp được đặt ra là mở rộng tuyến ống dẫn nước tại các trạm cấp nước hiện có và xây dựng mới tại khu vực đông dân cư.

Nguồn kinh phí dự kiến 82 tỷ đồng, trong đó mở rộng tuyến ống là 15 tỷ đồng, xây dựng mới 67 tỷ đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *