Cần sự phối hợp giúp đối tượng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Năm Căn.

Nội dung này vừa được Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiến hành giám sát thực tế ở một số địa phương. Theo ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế: “Đây là vấn đề rất cần được quan tâm, quản lý; song thực tế các địa phương ít quan tâm, có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm cho ngành Công an”.

Cải tạo không giam giữ là một trong 7 hình phạt chính đối với người phạm tội, được quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Là hình phạt không buộc người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội, mà được giao cho cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội giám sát, giáo dục, nhằm phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia vào việc cải tạo, giáo dục người phạm tội. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 6 tháng đến 3 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội”.

Tại Cà Mau, tính từ năm 2016 đến tháng 6/2019, có 120 trường hợp đang chấp hành án cải tạo không giam giữ; lập hồ sơ đề nghị giáo dục tại xã, phường, thị trấn 1.791 hồ sơ. Thời gian qua, nhìn chung công tác quản lý đối tượng bảo đảm đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc quản lý 2 loại đối tượng này tại địa phương: Các đối tượng chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, án treo chuyển nơi cư trú đến địa phương khác nhưng UBND, công an các xã, phường, thị trấn không thông báo kịp thời cho cơ quan THA cấp huyện để thông báo đến nơi các đối tượng này chuyển đến, nhằm tiếp tục quản lý, giáo dục và giám sát. Tại một số địa phương mà Đoàn giám sát đến làm việc, hầu hết do công an địa phương quản lý mọi mặt; việc phối hợp quản lý của các đoàn thể cơ sở và gia đình đối tượng đôi lúc chưa chặt chẽ; nhiều nơi hồ sơ đối tượng được lập, nhưng không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, địa điểm sinh sống của đối tượng…

Ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Năm Căn.

Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết: “Từ năm 2016 đến tháng 6/2019, trên địa bàn huyện có 7 trường hợp chấp hành án cải tạo không giam giữ và 99 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử phạt hành chính giáo dục tại xã, thị trấn. Khó khăn, vướng mắc ở địa phương hiện nay là đa số người phạm tội bị cải tạo không giam giữ, đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn có trình độ học vấn thấp, không có việc làm ổn định, hoàn cảnh khó khăn, phải thường xuyên tìm kiếm việc làm để mưu sinh nên việc quản lý, giáo dục gặp khó. Đồng thời, chưa có nguồn kinh phí để hỗ trợ việc làm, cũng như hỗ trợ cá nhân nhận đỡ đầu, phụ trách giúp đỡ đối tượng; đối tượng ngại tiếp xúc, gặp gỡ và bày tỏ tâm tư nguyện vọng cùng chính quyền địa phương…”.

Là địa phương được đánh giá làm tốt công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ tại địa phương, ông Hồ Thiên Chúa, Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Sau khi tiếp nhận hồ sơ THA, Công an xã trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch UBND xã ra quyết định phân công cán bộ trực tiếp giám sát, giáo dục đối tượng chấp hành cải tạo không giam giữ theo thời gian quy định. Cụ thể, năm 2017, xã phân công ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng ấp Rạch Lùm B, giúp đỡ đối tượng Nguyễn Trọng Nghĩa (sinh năm 2000); kịp thời chấn chỉnh và có biện pháp giáo dục để em hướng thiện, hòa nhập cộng đồng và nay đã chấp hành xong án”.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Sơn Ca, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, có nơi gần như giao hoàn toàn cho lực lượng công an. Đặc biệt, do phải mưu sinh, nhiều đối tượng chấp hành án thường xuyên thay đổi nơi cư trú, dẫn đến khó quản lý, rất dễ tái phạm, trong khi chế tài xử lý hành chính còn nhẹ, khó thực hiện…

Ông Nguyễn Sơn Ca cho biết, thời gian tới Ban Pháp chế sẽ tham mưu với HĐND tỉnh kiến nghị Trung ương đối với một số quy định, trong đó có chế độ đãi ngộ cán bộ trực tiếp làm công tác THA hình sự tại địa phương nhằm tăng trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với người chấp hành xong án phạt tù, bảo đảm công tác tái hòa nhập cộng đồng: Tạo điều kiện dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn. “Quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, chính quyền, các đoàn thể tới các cơ quan bảo vệ pháp luật để giám sát, quản lý, giúp đỡ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của những người lầm lỡ, qua đó giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng…”, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *