Cần tăng cường quản lý vận hành cống – trạm bơm

Cửa cống luôn đóng kín.

Tuy nhiên, do nhiều nơi nông dân chưa có sự liên kết, thiếu mô hình tổ chức sản xuất phù hợp; việc không lấy ý kiến đầy đủ trong dân từ trước khi xây dựng các công trình nên chưa có sự đồng thuận cao, và quan trọng hơn là khi xây dựng xong thì việc bàn giao các công trình cho địa phương không rõ ràng, hay sự phối hợp trong quản lý vận hành chưa tốt, không phân định rõ trách nhiệm các bên, thiếu sự phân công cá nhân thường trực cụ thể, nên nhiều công trình chưa phát huy hiệu quả, mà đôi khi còn gây trở ngại cho sản xuất lẫn giao thông, trở thành lãng phí.

Một thực tế điển hình là ở cánh đồng Ấp 1 và Ấp 6 (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) tiếp giáp với Ấp 6 (xã An Xuyên, TP. Cà Mau) có diện tích đất canh tác lúa hai vụ hàng trăm hecta đã lâu. Từ đầu năm nay được khép kín ô thủy lợi bằng tuyến kênh băng đồng và đê bao mương vườn ven sông với 2 cống kiên cố cố định phía Tân Lộc và 1 trạm bơm công suất lớn ở phía An xuyên (Ô Rô). Buổi đầu bà con nông dân rất phấn khởi và tưởng rằng năm nay việc gieo cấy hai vụ lúa sẽ được thuận lợi, an toàn hơn. Thế nhưng, từ khi đưa vào sử dụng từ đầu vụ hè thu, rồi gieo cấy lấp vụ hai đến nay, hệ thống cống – trạm bơm này không giúp ích được gì cho cả hai vụ lúa trên với hơn 100ha trong ô khép kín này, mà còn gây nhiều trở ngại. Đầu vụ hè thu mưa ít mà không giữ được nước khiến cả trà lúa thiếu nước, cỏ mọc, không thể bón phân, cây lúa không nở bụi và suy dinh dưỡng; cuối vụ bị mưa ngập, bệnh đạo ôn hoành hành nên vụ hè thu bà con thất nặng, có hộ không thu hoạch được gì. Khi sạ cấy lấp vụ 2 từ đầu tháng 10 lại gặp mưa liên tục, phải bơm tát bớt nước nhưng đê cống khóa kín không đường thoát ra sông. Đặc biệt sau trận mưa ngày 22/11 và sau đó làm cho cả cánh đồng, nhất là trong giữa nội đồng ngập sâu đến hơn 40 – 50cm nước, nhiều chỗ lúa sắp “chết chìm” mà không thể tát nước đi đâu được.

Một trạm bơm ở huyện Trần Văn Thời.

Còn trạm bơm, thì theo bà con có ruộng trong ô phản ánh là hoàn toàn vô hiệu vì không ai quản lý, không ai dám đóng cầu dao điện. Và theo lời kể, có một lần cuối vụ hè thu vừa rồi đang vào kỳ thu hoạch lúa do mưa ngập quá, dân báo về trên, khi chạy tìm được người có đủ trách nhiệm vào đóng cầu dao trạm bơm, thì đường nước lại hỏng do cống không kín, thế là nông dân đành chịu ngập và chịu trận cho đến nay mà chẳng biết kêu ai (!?).

Hiện nay bà con rất băn khoăn, thắc mắc do không ai trông coi quản lý, vận hành hai cống và trạm bơm trên ô khép kín này. Vậy thì ai có trách nhiệm đóng – ngắt cầu dao điện vận hành trạm bơm chống ngập khi cần? Ai chịu trách nhiệm mở cống cho dân khi nước ngập như hiện tại? Nông dân có ruộng trong ô không thể mà cũng không ai dám làm vì không có phương tiện, không biết kỹ thuật và rất sợ trách nhiệm nếu xảy ra sự cố gây hỏng hóc tài sản nhà nước?

Ngành Nông nghiệp và các địa phương trong toàn tỉnh có công trình cần quan tâm vấn đề tổ chức quản lý, vận hành các hệ thống cống và trạm bơm đã xây dựng sao cho có hiệu quả, đừng để vừa lãng phí vừa gây trở ngại cho sản xuất của bà con.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *