Cẩn trọng với thú chơi sưu tầm đồ cổ

Những món “đồ cổ” bằng đồng thường được bày bán.

Trên địa bàn TP. Cà Mau hiện nay xuất hiện khá đông lực lượng chuyên cung cấp những món đồ cổ cho những đại gia lắm của nhiều tiền, những người có sở thích sưu tầm đồ độc lạ không ai có. Có rất nhiều món đồ vật được rao bán một cách gần như công khai: Đồ đồng, các loại đá quý cho đến nanh móng các loài động vật hoang dã đã bị cấm mua bán như hổ, gấu.

Ông T. một dân chơi chuyên sưu tầm đồ cổ, đồ xưa cũ: “Những món đồ được bày bán hiện nay đa phần không phải là đồ cổ. Đa phần là đồ giả cổ. Thậm chí có nhiều món đồ có nguồn gốc từ Thái Lan, Campuchia. Công nghệ hiện nay rất tân tiến, những tay buôn bán rất dễ chế tác ra một món đồ giả cổ mà mắt thường khó có thể nhận biết được”.

Trên thực tế trong giới chơi đồ cổ đã không ít người bị “sập bẫy” một cách cay đắng. Sau khi biết mình bị gạt họ coi như đó là chi phí tìm hiểu về thú chơi này.

Câu chữ “giao lưu” là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong giao dịch những món đồ này. Để tăng thêm giá trị, giới buôn bán cũng phủ lên món đồ này những giai thoại đầy huyền bí, những câu chuyện nhuốm màu lịch sử ly kỳ, hấp dẫn, khiến cho những người truy lùng cổ vật nếu không “cứng”, dễ dàng “sập bẫy”.

Được biết, việc trao đổi mua bán của người dân liên quan đến các món đồ cổ mà không chứng minh được quyền sở hữu, không thực hiện đúng theo quy định pháp luật là vi phạm pháp luật.

Do vậy, khi người dân phát hiện cổ vật cũng như có người đến giới thiệu mời mua (mà không có giấy tờ chứng minh hợp pháp) thì người dân nên báo cho chính quyền địa phương, cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý theo quy định pháp luật; đặc biệt, khi người dân nghi ngờ các đối tượng mời bán có hành vi lừa đảo hoặc làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *