Cần xử lý nghiêm hành vi không chấp hành, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ

Gõ trên công cụ tìm kiếm Google cụm từ “không chấp hành hiệu lệnh, chống đối CSGT”, có thể thu được hàng trăm ngàn kết quả. Điều này cho thấy, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đều rất quan tâm đến vấn đề này.

Nhiều trường hợp người vi phạm Luật Giao thông đường bộ có hành vi chống đối, lăng mạ CSGT đang làm nhiệm vụ đã gây bức xúc trong dư luận. Không chỉ phớt lờ chỉ dẫn, hiệu lệnh của CSGT làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường, nhiều trường hợp còn có hành vi chống đối, hành hung, đe dọa, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người thực thi công vụ. 

Một trường hợp người vi phạm không chấp hành khi bị lập biên bản trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.

Cũng có nhiều trường hợp khi bị lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra thì không xuất trình giấy tờ, quay lại “chất vấn” lực lượng làm nhiệm vụ. Mặc dù đã được giải thích rõ ràng, nhưng với một số kiến thức “lượm lặt” được, họ đã cố tình tranh cãi với CSGT. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có sự hiếu kỳ của người dân, số người tham gia, quay clip ngày càng đông, rồi tung lên các trang mạng xã hội, dù đúng sai chưa được kiểm chứng. Việc này đã gây mất an ninh trật tự tại địa phương, gây nên luồng dư luận trái chiều, tạo hình ảnh xấu về lực lượng CSGT.

Vừa qua, có dịp theo chân lực lượng CSGT, Công an TP. Cà Mau tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông; phóng viên Báo ảnh Đất Mũi ghi nhận nhiều trường hợp không chấp hành hiệu lệnh, tranh cãi gay gắt với lực lượng làm nhiệm vụ. Đơn cử như trường hợp của người vi phạm tên Nguyễn V.Đ.H., trong lúc tuần tra trên tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông (đường vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau), lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 51F1 – 655.** do H. điều khiển có dấu hiệu vi phạm, đậu ở nơi không được phép đậu. Khi bị kiểm tra và lập biên bản, người vi phạm đã không chấp nhận lỗi với lý do không có biển cấm đậu, đỗ, đồng thời không chấp hành ký biên bản vi phạm. Gần 30 phút tranh luận, dù lực lượng làm nhiệm vụ đã nêu những quy định, điều khoản cụ thể, nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác. Thời điểm đó, vụ việc thu hút sự hiếu kỳ của người dân xung quanh, số lượng người đến xem ngày càng đông. Tránh diễn tiến vụ việc theo chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại khu vực, lực lượng làm nhiệm vụ đã phải mời người vi phạm về trụ sở Công an thành phố để làm việc. Tại đây, sau khi được giải thích rõ ràng, người vi phạm đã chấp nhận lỗi vi phạm và ký vào biên bản vi phạm.

Đây chỉ là một trường hợp điển hình về hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ, trên thực tế có rất nhiều trường hợp không chấp hành. Theo tổng hợp của Ban An toàn giao thông tỉnh, chỉ trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận 175 trường hợp không chấp hành. Trong đó, không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông 42 trường hợp; không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn 131 trường hợp; không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ 2 trường hợp.

Thông qua các vụ việc, hành vi này cho thấy, đã đến lúc cần có một “liều thuốc đặc trị” hiệu quả hơn; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức để người dân nắm bắt cụ thể luật giao thông, nhằm hạn chế việc tranh cãi về vi phạm pháp luật giao thông, dẫn đến các hành vi vi phạm khác…

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ; khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì mức xử phạt đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông như sau:

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng; người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 – 3 tháng. Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 – 4 tháng.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng; người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 – 3 tháng. Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 – 4 tháng.

Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác: Phạt tiền từ 100 – 200 ngàn đồng.

Đối với người đi bộ: Phạt tiền từ 60 – 100 ngàn đồng.

Đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo: Phạt tiền từ 100 – 200 ngàn đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *