Cánh đồng mẫu đã… lớn

Đồng đất Cà Mau phát huy giá trị từ những cánh đồng lớn.

HIỆU QUẢ ĐƯỢC KIỂM CHỨNG

Từ năm 2012 – 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai mô hình) đã triển khai thực hiện cánh đồng lớn với quy mô diện tích hơn 10.748ha. Có hơn 9.000 hộ tham gia, thực hiện từ tháng 9/2012 đến 5/2016; tại 53 điểm của 21 xã, thị trấn thuộc các huyện: Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước và TP. Cà Mau. Có 80 hội nghị triển khai mô hình Cánh đồng lớn tại các địa phương, 551 lớp tập huấn với trên 16.500 lượt nông dân được chuyển giao quy trình, kỹ thuật sản xuất lúa “3 giảm 3 tăng”; cái mới nhất ở đây là người dân được hướng dẫn ghi chép theo VietGAP. Các công ty, doanh nghiệp tổ chức được hơn 200 lớp tập huấn hướng dẫn nông dân sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chế phẩm sinh học.

Mỗi cánh đồng lớn bố trí 1 – 2 giống lúa, bao gồm các giống lúa cấp xác nhận trên 90%. Cánh đồng lớn đều được ứng dụng cơ giới hóa 100% cho khâu làm đất, thu hoạch đối với lúa cao sản; các khâu còn lại như bón phân, phun thuốc còn áp dụng biện pháp thủ công.

Các công ty, doanh nghiệp đã chịu tham gia đầu tư cho nông dân về giống, vật tư nông nghiệp… đảm bảo về chất lượng, giá cả tương đối phù hợp và có chính sách giảm giá.

Hiệu quả tại các cánh đồng lớn đã được kiểm chứng từ các con số của vụ đông xuân hàng năm: Năng suất lúa từ khoảng 5 tấn/ha tăng lên gần 6 tấn/ha, sản lượng tăng hơn 6.000 tấn. Ngược lại, chi phí sản xuất giảm gần 1,5 triệu đồng/ha. Tính chung, chi phí sản xuất giảm khoảng 1,5 tỷ đồng; lợi nhuận tăng thêm gần 39 tỷ đồng.

LIÊN KẾT ĐƯỢC CHUỖI SẢN XUẤT

Qua 4 năm thực hiện, điều quan trọng và có tính quyết định ở đây là chất lượng lúa hàng hóa ngày càng được khẳng định, giống lúa kém chất lượng ngày càng giảm trong sản xuất. Người dân đã biết tổ chức sản xuất cánh đồng lớn, sản xuất có sự liên kết và tuân thủ quy trình kỹ thuật canh tác. Cụ thể, đã bơm tát chung theo lịch thời vụ, gieo sạ theo mật độ vừa và phải đồng loạt, bố trí cơ cấu 1 – 2 giống lúa; công tác chọn giống, chế độ chăm sóc, bón phân, phun thuốc được cán bộ chuyên môn khuyến cáo áp dụng ngay từ đầu nên hạn chế được sâu bệnh gây hại. Ông Trịnh Văn Nên (nông dân Ấp 1/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) quả quyết: “Nếu trong quá trình canh tác, nông dân tuân thủ đúng và nghiêm túc theo lịch thời vụ mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo thì các vụ mùa sẽ “ăn” chắc, bởi thực tế đã qua cho thấy, nếu không tuân thủ theo lịch thời vụ thì năng suất vụ mùa không cao”.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo, khi nông dân áp dụng đúng quy trình canh tác thì trà lúa cánh đồng lớn sẽ phát triển tốt, một mặt chi phí sản xuất sẽ giảm, năng suất lúa thì tăng đều trên cánh đồng giữa các hộ, lượng lúa hàng hóa bảo đảm đồng nhất về chất lượng; quan trọng hơn cả là đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa với giá hợp lý hơn.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, ở mô hình này, Nhà nước chỉ đầu tư bình quân 400.000 đồng/ha lúa để thực hiện cánh đồng lớn, nhưng hiệu quả lợi nhuận kinh tế tăng thêm cho nông dân sẽ tăng lên 10 lần với trên 4 triệu đồng/ha.

Có được thành công ban đầu là do các “nhà” đã “chịu” liên kết trong quá trình sản xuất. Nông dân được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất. Cánh đồng lớn đã được các cấp chính quyền địa phương nâng cao năng lực quản lý và tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết. Các công ty, doanh nghiệp cũng đã chịu tham gia đầu tư cho nông dân về giống, vật tư nông nghiệp… đảm bảo về chất lượng, giá cả tương đối phù hợp và có chính sách giảm giá.

Thời gian tới, một trong những giải pháp trọng tâm của ngành Nông nghiệp là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế hợp tác trong dân; giúp nông dân có nhận thức đúng đắn về nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế. Đổi mới, nâng cao chất lượng của các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp nhằm phát huy vai trò của tổ chức đại diện nông dân, trong đó hợp tác xã, tổ hợp tác là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, mô hình sản xuất – tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng kinh tế liên kết thay thế cho mô hình kinh tế nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp.

Cánh đồng lớn của Cà Mau đã đạt được mục tiêu đề ra, năng suất lúa tăng từ 15 – 20% so với sản xuất thông thường; tác động rất lớn đến sản xuất của người dân và có thể khẳng định rằng cánh đồng lớn là hình thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả cao.
(Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *