Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

Cụ thể, anh N.T.L (Khóm 7, thị trấn Thới Bình) đến trình báo với lực lượng chức năng: Do trước đây anh có mua hàng trả góp ở một công ty điện máy ở TP. Cà Mau, nên có một đối tượng nam giới gọi cho anh L. giới thiệu là nhân viên của hãng điện thoại Samsung, thông báo anh là khách hàng may mắn được công ty chọn làm đại sứ cho nhãn hiệu và được ưu đãi 80% khi mua sản phẩm điện thoại Samsung. Nhân viên này giới thiệu hãng mới vừa ra mắt dòng điện thoại mới với giá 26 triệu đồng. Hãng sẽ gửi cho anh L. dòng điện thoại mới này để sử dụng thử trong vòng 1 tháng, với điều kiện phải nạp vào tài khoản 5,2 triệu đồng (tương đương 20% giá trị sản phẩm). Nếu sau 30 ngày sử dụng, anh L. không đồng ý sử dụng dòng điện thoại này thì công ty sẽ trả lại số tiền trên. Còn nếu anh L sử dụng thì không cần trả thêm tiền. Thế nhưng, sau khi nhận điện thoại và sử dụng được vài ngày thì anh L. phát hiện dòng điện thoại này không phải chính hãng và bị hư hỏng, không sửa được. Anh L. liền gọi theo số máy nhân viên hôm trước tư vấn, nhưng không liên hệ được.

Một trường hợp khác, thông qua mạng xã hội Facebook, chị T. (xã Tân Lộc) đã làm quen được với một tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài. Sau thời gian làm quen, đối tượng hứa gửi quà về tặng cho chị T. và khi về nước sẽ đến thăm chị T. Đối tượng còn chụp lại hóa đơn gửi quà và thông báo khi nào hàng chuyển về đến sân bay sẽ có người liên hệ để nhận. Hôm sau, chị T. nhận được cuộc điện thoại người lạ, xưng là nhân viên hải quan sân bay, nói chị có một gói hàng, cùng tên nước ngoài chuyển về, yêu cầu chị T. đóng tiền thông quan và chuyển vào tài khoản của thư ký để làm thủ tục, nếu chậm trễ hàng sẽ bị gửi trả lại cho người gửi. Chị T. đã chuyển vào tài khoản của đối tượng 12 triệu đồng, sau đó có một đối tượng giới thiệu là thư ký sân bay điện thoại cho chị T. nói chưa đủ phí, nên chị T. đã chuyển tiếp 35 triệu đồng, nhưng nhiều ngày sau chị T. vẫn không nhận được quà, không liên lạc được với các đối tượng trên.

Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp người dân đến trình báo với nội dung là khi họ mua hàng trả góp qua một công ty tài chính và đã thanh toán xong hợp đồng, sau đó nhận được điện thoại của đối tượng lạ xưng là nhân viên công ty tài chính, thông báo hợp đồng của họ được bốc thăm trúng thưởng ngẫu nhiên và may mắn được trúng 2 cái đồng hồ trị giá 6 triệu đồng; theo đó yêu cầu những người dân này phải đóng lệ phí bốc thăm là 1,5 triệu đồng khi nhận quà trúng thưởng. Khi nhân viên đến giao hàng, người dân yêu cầu được kiểm tra hàng, tuy nhiên các nhân viên này không đồng ý, yêu cầu phải trả tiền trước mới được nhận hàng. Sau đó đối tượng tiếp tục gửi hàng và gọi điện uy hiếp, nếu không nhận sẽ bị phạt hợp đồng 12 tháng, mỗi tháng 1,5 triệu đồng.

Các đối tượng lợi dụng tài khoản trên các trang mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Có trường hợp, nhân viên một ngân hàng đến trình báo, thông qua mạng xã hội Zalo, bị hại có làm quen với một đối tượng nữ, có địa chỉ tại huyện Thới Bình. Sau thời gian làm quen, biết bị hại có nhu cầu đổi ngoại tệ, nên đối tượng đề nghị đổi tiền Việt Nam sang tiền Hàn Quốc với lãi suất cao, nên bị hại đồng ý. Người này đã chuyển cho đổi tượng số tiền 66 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng đẽ được đổi 4 triệu won. Sau khi chuyển tiền xong thì bị hại không nhận được ngoại tệ, cũng không liên lạc được với đối tượng.

Ngoài ra, còn nhiều thủ đoạn lừa đảo khác: Các đối tượng hack được tài khoản Facebook, giả là chủ của tài khoản gửi tin nhắn trò chuyện với những người có quan hệ gia đình, làm ăn thân thiết với chủ  tài khoản Facebook, để thực hiện các hành vi lừa đảo phổ biến như vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại; hay các đối tượng dàn cảnh đóng giả nhân viên của “cơ quan nhà nước”: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cục hải quan… để uy hiếp nạn nhân vào một vụ việc cụ thể, buộc nạn nhân phải chuyển tiền, nếu không sẽ bị các “cơ quan nhà nước” xử lý hình sự.

Qua phân tích một số vụ việc cụ thể cho thấy, những thủ đoạn của các đối tượng không mới, nhưng bọn chúng hoạt động có tổ chức, do một nhóm người thực hiện, tạo dựng kịch bản sát với thực tế, đánh trúng vào tâm lý hám lợi của nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân ở các vùng nông thôn.

Trong thời gian tới, đặc biệt là thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2020, các đối tượng sẽ tăng cường lừa đảo hơn nữa trên các trang mạng. Ngành chức năng kêu gọi người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội, qua điện thoại… Không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên các cơ quan nhà nước. Không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Không đứng tên, chuyển giao tài khoản, nhận tiền, quà của những người không phải là bà con, bạn bè thân thích; khi có tài khoản của  người quen trên Facebook, Zalo nhờ gửi tiền, nạp card thì cần phải xác nhận trực tiếp với người quen trước khi thực hiện. Không tiết lộ mã pin, mật khẩu cá nhân qua mạng, mà cần trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện giao dịch nếu có yêu cầu; tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi chưa nắm rõ thông tin về đối tượng, tài sản, đồ vật mình cần giao dịch hoặc khi nghi vấn đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (nếu đã chuyển tiền thì phải báo ngay cho ngân hàng phong tỏa số tiền đã chuyển).

Mọi nghi vấn hoặc phát hiện các đối tượng, vụ việc có liên quan, đề nghị nhân dân thông báo ngay cho đơn vị công an gần nhất hoặc điện thoại qua máy Trực ban Hình sự Công an huyện Thới Bình – ĐT: 02903.860.868  hoặc số điện thoại của đơn vị công an trên địa bàn sinh sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *