Cấp thiết tình hình hạn, mặn!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (thứ 7 từ trái sang) cùng cán bộ tỉnh, huyện, xã kiểm tra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến diện tích lúa – tôm trên địa bàn ấp Quyền Thiện (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình).

 

hiệt hại đã nhìn thấy!

Gió thổi mạnh từ biển, không những làm lượng nước trên cánh đồng bốc hơi nhanh, mà còn kéo theo mức độ xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, cùng với nắng nóng gay gắt kéo dài từ sáng sớm tới chiều muộn đã làm độ mặn tăng cao, lên đến trên 20‰. Những loài thủy sản vốn sinh trưởng theo hệ sinh thái mặn như tôm, cua… còn chết dần, thì những giống lúa vốn chỉ thích nghi nước lợ, với độ mặn chỉ vài phần ngàn tất sẽ bị “cháy”.

Tại Kinh 6 – La Cua (xã Biển Bạch Đông), nước mặn đã xâm nhập hoàn toàn. Người dân trên tuyến kênh này khẳng định, lúa chết trên cánh đồng tôm là do độ mặn tăng cao, lúa lại có thời gian sinh trưởng dài ngày nên không thể “trụ” nổi; nếu làm giống ST20 hay ST24 thì giờ đã thu hoạch rồi, ăn tết cũng vui hơn. Minh chứng điều này, Trưởng ban Nhân dân ấp Quyền Thiện, ông Huỳnh Công Thành cho biết: “Những hộ sản xuất dòng ST, sau thu hoạch lúa, giờ đã thả nuôi tôm được trên 1 tháng. Đã có 60 hộ vốn sản xuất giống Một bụi đỏ nơi đây thấy được lợi thế này, nên đăng ký mùa tới sẽ chuyển sang sản xuất dòng ST. Dòng ST sản xuất ngắn ngày, mà giá lại cao hơn. Tới đây, thông qua tổ hợp tác, cùng với sự trợ giúp của chính quyền, khi đã ký kết cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm đối với doanh nghiệp, người dân sẽ yên tâm sản xuất, nhất là khi tình hình thời tiết khó lường như hiện nay”.

Trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã có 81 tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, sụt lún, với tổng chiều dài trên 6,7km, xảy ra tại 9 xã vùng ngọt. “Với diễn tiến của khô hạn đang hồi khốc liệt và dự báo kéo dài đến hết tháng 4, tình hình sụt lún và sạt lở các tuyến đường sẽ còn diễn ra trên địa bàn ngày càng nghiêm trọng hơn”, ông Sử Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện, khẳng định.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình: “Trong 5.733ha diện tích lúa – tôm thiệt hại trên 70% của toàn huyện, thì địa bàn xã Biển Bạch Đông có nhiều nhất, với trên 2.600/4.100ha xuống giống của xã. Như vậy, mức độ thiệt hại vụ lúa – tôm tại xã là khá lớn, diện tích thu hoạch chỉ có trên 1.600ha, còn lại hơn 898ha thiệt hại ở mức từ 30 – 70%”.

Tại huyện U Minh, theo ông Phạm Văn Sóng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, đến thời điểm này trên địa bàn huyện đã có 8.153ha lúa – tôm bị thiệt hại, với 6.684ha thiệt hại từ 70% trở lên và diện tích thu hoạch được chỉ gần 4.000ha. “Với nắng nóng như thế này và dự báo còn kéo dài, thì mức độ và diện tích lúa mùa trên địa bàn bị thiệt hại sẽ tăng cao, không thua gì đại hạn năm 2016”, ông Sóng nhận định.

Trong khi đó, tại huyện Trần Văn Thời – vùng sản xuất hoa màu trọng điểm của tỉnh, bà con đang “giành giật”, tranh nhau bơm nhanh những giọt nước còn lại dưới kênh lên đồng, nhằm cứu vớt được ngày nào hay ngày nấy, khi những rẫy màu đang trong quá trình ra hoa, kết trái, rất cần bổ sung đủ nguồn nước trong tiết trời nắng hanh cả ngày. Huyện đã có 327,3ha lúa – tôm bị thiệt hại, cùng với đó là 148ha lúa vụ đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh thì bị thiếu nước nghiêm trọng, khả năng thiệt hại hoàn toàn là khó tránh khỏi.

Các tuyến kênh kiệt nước, dẫn đến sụt lún, sạt lở đất, gây thiệt hại đến công trình giao thông, nhà dân…

 

ần có giải pháp hài hòa, đồng thuận trong dân

Cả cánh đồng bí rợ ở xã Khánh Bình Đông, xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) sẽ “cháy” khô, khi tất cả bà con cùng tranh nhau lấy nước dưới kênh lên đồng? Hay một phần diện tích chấp nhận “hy sinh” để dành phần nước cho diện tích còn lại? Giải pháp bơm chuyền nước từ những con kênh lớn còn nước (nguy cơ sụt lún đường do hết nước) sang những con kênh đã cạn đáy tại vùng hoa màu để giải cứu cơn khát? – Những câu hỏi mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử đặt ra cho chính quyền địa phương sau chuyến khảo sát thực tế tình hình hạn, mặn trên địa bàn trong tuần qua.

Chỉ đạo về giải pháp ứng phó hạn mặn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần tính toán, tuyên truyền, giải thích cho người dân, lựa chọn phương án tối ưu, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân… “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải thành lập ngay Ban Chỉ đạo ứng phó hạn mặn ngay từ bây giờ, vì tình hình đã cấp thiết, dự báo sẽ còn gay gắt, khốc liệt hơn trong thời gian tới”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.

Trên địa bàn huyện Thới Bình, hiện có hơn 3.000 hộ đang thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Huyện Trần Văn Thời có 142 hộ có nguy cơ thiếu nước ngọt sinh hoạt, dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh, trong thời gian ngắn. Đáng quan tâm là 38 hộ dân đang sống trên đảo Hòn Chuối, rất cần được cung cấp nước ngọt từ đất liền khi trên đảo không có nguồn nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *