Chàng trai 9X chế tạo thành công máy cho tôm ăn tự động

Nguyễn Hải Đăng bên những chiếc máy cho tôm ăn tự động đã thành phẩm.

Xuất thân trong gia đình có hơn 14 năm kinh doanh thức ăn tôm, Nguyễn Hải Đăng nhận thấy, lâu nay những hộ nuôi tôm trên diện tích rộng vẫn thường áp dụng cách cho ăn truyền thống, nghĩa là bơi xuồng ra giữa đầm và rải thức ăn xuống, mất khá nhiều thời gian và công sức, lại khó kiểm soát lượng thức ăn thừa, gây ô nhiễm môi trường nước và đáy ao. Từ đó, anh ấp ủ ý tưởng sáng chế một loại máy đặc biệt, mong muốn đóng góp một phần công sức trong việc phát triển kinh tế ở địa phương, đặc biệt là trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Một quyết định khá liều lĩnh, khi đang là sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành Quản trị kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh, Hải Đăng tạm ngưng việc học để thực hiện ước mơ. Rời giảng đường, Hải Đăng bắt đầu chuyến chu du hơn 50 tỉnh, thành trong cả nước. Chưa thỏa sức, chàng trai trẻ với bao kỳ vọng ở phía trước tiếp tục xuất ngoại sang Đài Loan và Pháp, với mục tiêu là đến thăm các vùng sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Nhưng đó chưa phải là động lực thúc giục Hải Đăng quyết tâm biến ý tưởng thành thực tế, cho đến khi anh có dịp tham gia triển lãm quốc tế ngành Thủy sản Boston năm 2013 tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong năm này, anh gặp người bạn đồng hành cùng đam mê là anh Trần Văn Út; “tư tưởng lớn gặp nhau”, cả hai bắt đầu miệt mài, cặm cụi tìm tòi, nghiên cứu sáng chế từ việc bật tắt bóng đèn điện, mô tơ nước bằng bộ điều khiển từ xa. Chỉ trong thời gian ngắn, máy cho tôm ăn tự động được “trình làng”. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, phải mất thêm mấy tháng chiếc máy mới hoàn chỉnh hơn. Khi đưa vào sử dụng, người điều khiển máy có thể điều chỉnh bán kính rải thức ăn cho phép bằng cách tăng tốc độ quay của mô tơ, do đó có thể phủ khắp mặt đầm. Ưu điểm từ chiếc máy mang lại là nhờ các ống dẫn thức ăn có độ dài khác nhau, khi mô tơ quay, lực giúp thức ăn được rải đều, mỏng trên phần diện tích nơi đặt máy, nhờ vậy, giúp cho tôm có nhiều không gian để bắt mồi. Qua đó, người nuôi dễ dàng tính toán lượng thức ăn phù hợp trong từng giờ, buổi, ngày hoặc từng giai đoạn phát triển của tôm, từ đó điều chỉnh tần số rải thức ăn phù hợp.

Nhận được nhiều sự trợ lực từ gia đình và bạn bè, anh Đăng không ngừng học hỏi, cải tiến chiếc máy từ khung máy đến thiết kế động cơ sao cho tiện lợi nhất cho người tiêu dùng về tính năng cũng như thẩm mỹ. Dòng máy ra đời có trọng lượng hơn 13kg, có thể tiết kiệm điện tối đa 20kWh/năm, bồn chứa được 60kg thức ăn. Sau hơn 6 tháng ra mắt máy cho tôm ăn tự động, anh đã bán được hơn 300 máy, giá bán mỗi máy là 3 triệu 690 ngàn đồng. Ngoài cung ứng tại huyện, nhờ giá thành rẻ, dịch vụ tư vấn, lắp đặt và bảo hành tận nơi, mà chiếc máy tiện dụng do chàng trai 9X chế tạo còn được bà con nuôi tôm ở các địa phương khác đặt mua.

Không bằng lòng với kết quả đó, những chiếc máy tiếp theo ra đời được anh Đăng thiết kế nhỏ gọn hơn. Sau nhiều lần được cải tiến, giờ đây chiếc máy cho tôm ăn tự động đã có mặt rộng khắp các địa phương trong tỉnh, trung bình mỗi tháng cơ sở của anh bán ra thị trường hơn 100 máy, giá bán cũng thấp hơn so với thời điểm mới sản xuất, chỉ còn 2,6 triệu đồng/máy. Không chỉ kinh doanh hiệu quả với mức lãi khoảng 25 – 30 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí, cơ sở của anh Đăng còn tạo việc làm thường xuyên cho thanh niên ở địa phương từ 5 – 8 người.

Tấm gương thanh niên lập nghiệp thành công ở độ tuổi đôi mươi của anh Nguyễn Hải Đăng tiếp thêm cho đoàn viên, thanh niên nơi đây động lực và quyết tâm vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nguyễn Hải Đăng là thanh niên duy nhất của tỉnh Cà Mau vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2016. Đây là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhằm vinh danh những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, công nghệ và xây dựng nông thôn mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *