Chắp cánh tương lai cho trẻ khuyết tật

Mỗi thầy cô là một tấm gương

Hiện nhà trường đang nuôi dạy 49 trẻ tự kỷ, 6 trẻ khiếm thị, 107 trẻ khiếm thính. Trong quá trình giáo dục học sinh khuyết tật, khó khăn lớn nhất là phải hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em. Phải biết khả năng các em tiếp thu được gì… để nhà trường đưa ra những biện pháp giáo dục hiệu quả. Mỗi em có một hoàn cảnh, cá tính, sở thích khác nhau nên việc dạy dỗ, chăm sóc không hề đơn giản. Giáo viên phải học ngôn ngữ ký hiệu mới hiểu được trẻ khiếm thính. Những yếu tố trên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển giáo dục toàn diện cho các em. Với quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt lời Bác: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, tập thể Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh đã tập trung sức mạnh đoàn kết, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ giáo dục của nhà trường.

Cô Nguyễn Nga, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên tâm huyết với nghề, có phẩm chất đạo đức tốt”.

Tiết học Mỹ thuật của lớp khiếm thính.

Khi nhận các em, nhà trường đều hiểu rằng, hòa nhập không có nghĩa là “xếp chỗ” cho trẻ khuyết tật trong trường lớp mà đòi hỏi sự hỗ trợ cần thiết, thể hiện ở việc điều chỉnh chương trình, đồ dùng dạy học, dụng cụ hỗ trợ đặc biệt, các kỹ năng giảng dạy đặc thù, để giúp học sinh phát triển hết khả năng. Dạy học sinh khuyết tật, học sinh thiểu năng trí tuệ mà chỉ có tâm thôi là không đủ. Trách nhiệm nhà trường đặt ra là chăm nuôi trẻ khuyết tật theo mô hình hòa nhập và hội nhập. Để Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật không chỉ đơn thuần là nơi trông trẻ, lãnh đạo nhà trường và giáo viên ở đây đã dồn cả tâm huyết vào nghiên cứu, chăm sóc trẻ khuyết tật. Giáo viên và lãnh đạo nhà trường phải tự mày mò, vừa từng bước nghiên cứu thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm kết hợp với các tài liệu, trường đã tự thiết kế được chương trình dạy trẻ khuyết tật. Với mỗi học sinh khuyết tật, không thể áp dụng cùng một nội dung, một phương pháp, nên giáo viên phải linh hoạt điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của học sinh, từng năm học… Không giống như những đứa trẻ phát triển bình thường, mọi sinh hoạt cá nhân cũng như sự nhận biết về cuộc sống của trẻ khuyết tật vô cùng khó khăn. Giáo viên phải dạy các em từ cái đơn giản như cách cầm bút, sau đó mới nghĩ đến việc dạy học chữ nổi, dạy học vi tính rồi dạy văn hóa. Quá trình nhận thức của trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ, phải đi cả một chặng đường dài, do đó mục tiêu đầu tiên đặt ra là dạy các kỹ năng tự lập để các em có thể hòa nhập được với cộng đồng. Giúp các em nhận biết được giá trị của cuộc sống, biết ứng xử với những sự việc xung quanh mình ở mức độ trung bình đã là một thành công và niềm hạnh phúc lớn lao của thầy và trò.

Từ năm 2014, trường đã có học sinh ra trường theo đúng nghĩa. Những em đã theo học từ 6 năm trở lên, đã đạt được trình độ nhất định, biết đọc, biết viết, biết tính toán, có thể học tiếp ở các trường bổ túc văn hóa hay lao động tại gia đình. Cô Nguyễn Nga cho biết thêm: “Để các em có thể làm quen với nền nếp, nội quy của nhà trường, chúng tôi luôn chú trọng công tác giáo dục cá nhân, hướng dẫn học sinh tự phục vụ bản thân. Song song đó, phải xây dựng môi trường học tập thân thiện. Đối với trẻ khuyết tật thì khả năng nhận thức, diễn đạt những ý nghĩ, mong muốn của trẻ rất hạn chế. Vì thế giáo viên phải thường xuyên quan tâm chăm sóc, trò chuyện, giúp đỡ trẻ ở mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoạt động. Đặc biệt, để tạo cho trẻ sự tự tin, mạnh dạn hòa nhập và tham gia hoạt động với các bạn, giáo viên phải linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, chu đáo và tỉ mỉ để phát hiện những khả năng tiềm ẩn và đáp ứng kịp thời những nhu cầu của trẻ”.

Vào trường, ngoài việc được học văn hóa, các em còn học nghề phù hợp với khả năng.

Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo tuy nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không những bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị mà còn phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Chính vì thế, vào trường, ngoài việc được học văn hóa, các em còn được dạy các kỹ năng sống, giao tiếp, học nghề phù hợp với khả năng: May công nghiệp, đan, thêu, nữ công gia chánh, học chiết xuất tinh dầu tràm, bưởi, sả và làm xà phòng. Qua học tập và rèn luyện, nhiều em có thể phát triển ngôn ngữ, phục hồi dần các khiếm khuyết, từ đó sớm có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Cô Trịnh Thị Phương Trang, giáo viên dạy lớp khiếm thính, cho biết, khi mới vào trường, các em rất rụt rè, ít nói, không tập trung… Được các giáo viên tận tình hướng dẫn, gợi mở, giúp đỡ, các em từng bước trở nên hoạt bát tự tin trong giao tiếp. Ở đây được các thầy cô dạy học, dạy nghề, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, được vui chơi cùng các bạn nên các em rất vui và thích thú.

Đối với mỗi cán bộ, thầy cô giáo tại trường, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải học tập cái gì to tát, cao siêu, mà mỗi người có thể học một điều nhỏ, đơn giản để làm tốt hơn công việc được giao.

Khơi dậy tiềm năng của học sinh

Môi trường giáo dục có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện cho học sinh, nhất là học sinh khuyết tật. Khi môi trường giáo dục tốt sẽ giúp phát triển nhân cách, khơi dậy tiềm năng trong mỗi học sinh. Những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật luôn phấn đấu, nỗ lực trong nuôi dạy, tạo cơ hội cho nhiều học sinh khuyết tật sớm hòa nhập. Chỉ thực sự có trách nhiệm, tâm huyết mới có thể gần gũi giúp các em hứng thú học tập, rèn luyện.

Chị Huỳnh Mỹ Chúc (xã Khánh Hội, huyện U Minh), mẹ em Nguyễn Huỳnh Thanh Thảo, bị khiếm thính, học sinh lớp 1, cho biết: “Khi con đến tuổi đi học, gia đình tôi cũng lo vì không biết có nơi nào nhận dạy những trẻ như con tôi hay không. Thật may khi có trường đã nhận cháu, dạy cháu học tập tốt. Các thầy cô ở đây đã mở lối cho con tôi vào đời. Gia đình tôi mang ơn nhà trường và thầy cô nhiều lắm”.

Những việc làm tuy nhỏ nhưng thiết thực của tập thể Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Cà Mau là thước đo chuẩn xác ý thức tự nghiên cứu tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công việc hàng ngày. Qua đó cũng chứng minh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải học tập cái gì to tát, cao siêu, mà mỗi người có thể học một điều nhỏ, đơn giản từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm cho mình trở nên tốt đẹp hơn, làm tốt công việc được giao.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *