Chấp hành luật lệ giao thông phải trở thành thói quen tự giác

Tai nạn giao thông xảy ra phần nhiều xuất phát từ lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Hậu quả của TNGT làm thiệt hại lớn về người và của, để lại những thương tật vĩnh viễn cho các nạn nhân và hậu quả nặng nề cho xã hội. Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân TNGT, trước hết là do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông: Phóng nhanh, vượt ẩu, say rượu lái xe, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, coi thường việc đội mũ bảo hiểm, phương tiện không an toàn…

Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, cho biết: “Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT được quan tâm, thực hiện có chiều sâu, nội dung tuyên truyền được lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt chi, tổ, hội của đoàn thể cấp cơ sở. Trong đợt cao điểm lễ, tết, các cơ quan báo, đài đã kịp thời đưa tin, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT và phê phán các hành vi vi phạm thường gặp: Vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy…; cảnh báo nguy cơ cao gây TNGT, các biện pháp phòng tránh TNGT…, qua đó đã tác động, làm chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông”.

Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 03/CT-Tg ngày 16/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trên các cơ quan báo, đài của tỉnh và Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn; phối hợp với các lực lượng chức năng cấp, phát hơn 1.000 quyển tuyên truyền nội dung về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu, bia – Không lái xe” thu hút gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, học sinh và quần chúng nhân dân tham gia hưởng hứng; tổ chức cho các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn ký cam kết lái xe của doanh nghiệp thực hiện “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”; cấp, phát gần 3.000 quyển cẩm nang phòng, chống TNGT do uống rượu, bia; trao tặng quà cho các gia đình nạn nhân TNGT có hoàn cảnh khó khăn trị giá hơn 5 triệu đồng.

Cùng với đó, việc giáo dục, học tập về Luật Giao thông đường bộ được triển khai ở các trường học. Học sinh, sinh viên đều được trang bị đầy đủ kiến thức về các quy định khi tham gia giao thông, nhưng khi ra đường thì cứ phóng nhanh, vượt đèn đỏ, điều khiển xe máy khi chưa có giấy phép lái xe.

Những năm gần đây, số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tuy có giảm nhưng chưa thực sự bền vững. Do đó, cần thiết phải đẩy mạnh công tác giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho chính những người trực tiếp tham gia giao thông. Bên cạnh hình thức xử phạt nặng các lỗi vi phạm luật lệ giao thông đường bộ, phải coi trọng công tác đào tạo, quyết không cấp bằng lái xe (ô tô, xe máy) cho những người không đủ tiêu chuẩn; coi trọng công tác giáo dục văn hóa giao thông bằng nhiều hình thức, áp dụng cho mọi đối tượng, lứa tuổi, ở nhiều nơi (địa phương, cơ quan, trường học, xí nghiệp…). Trên cơ sở đó, từng bước đưa việc chấp hành luật lệ giao thông trở thành nhu cầu tự thân, thói quen tự giác.

Và trong mỗi gia đình đều đưa ra tiêu chuẩn giáo dục đạo đức ATGT cho các thành viên trong gia đình mình. Mặt khác, trên các tuyến đường cần khắc phục tình trạng bày bán hàng lấn chiếm vỉa hè, hình thành chợ tự phát gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng rất lớn đến trật tự ATGT. Đặc biệt là xóa những điểm đen về TNGT; luôn kiểm tra, rà soát lại hệ thống biển báo, đèn tín hiệu tại các ngã tư trong thành phố, đô thị, tại các trục quốc lộ. Cơ quan quản lý hạ tầng giao thông cũng cần thường xuyên làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, phát hiện kịp thời những nguy cơ gây mất ATGT (trên đường bộ, đường sắt) để hạn chế thấp nhất tai nạn có thể xảy ra.

Thiết nghĩ, những vấn đề trên cần được các cấp chính quyền, địa phương, các cơ quan quản lý xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để quần chúng nhân dân chấp hành luật pháp và bảo đảm an sinh xã hội. Hơn hết, cần có trách nhiệm cộng đồng, trong đó người tham gia giao thông phải thấy việc bảo đảm ATGT cho mình, cho mọi người là trách nhiệm, là đạo đức, văn hóa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *