Chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm là bảo vệ chính mình

Nhiều tai nạn thương tâm

Một trong những hậu quả đau lòng do TNGT là chấn thương sọ não và những di chứng nguy hiểm của nó. Trường hợp của anh Lê Quốc Trọng (ấp Rạch Lùm, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) là một điển hình. Trước đây anh Trọng là chàng trai khỏe mạnh, năng động, nay là người nửa mê, nửa tỉnh, không thể tự chủ trong mọi hoạt động.

Năm 2011, anh Trọng bị TNGT gây chấn thương sọ não. May mắn thoát chết nhưng sự sống của anh Trọng kể từ đó hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Gia đình vốn túng thiếu nay càng khó khăn hơn. Và nỗi đau thêm chồng chất khi vợ anh Trọng âm thầm ra đi tìm cuộc sống mới vào năm 2013, bỏ lại đứa con còn nhỏ dại cho người chồng bại não. Bà Nguyễn Thị Là, mẹ anh Trọng, than thở: “Nhà không đất đai, tôi không đủ sức khỏe để lao động nặng nhọc. Phần phải lo chăm sóc cha chồng già yếu, con bệnh tật, cháu nhỏ, nên rảnh lúc nào thì tôi tranh thủ đan rổ, nhưng nhiều lắm mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Khổ sở mình cam chịu được, nhưng nghĩ về tương lai của cháu nội, tôi thấy xót xa quá”.

Cùng hoàn cảnh với anh Trọng là trường hợp của chị Huỳnh Thu Thủy (Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời). Trong một lần đi bán vé số mưu sinh tại khu vực gần nhà, tai nạn quái ác đã ập đến chị. Kể từ ấy, chị Thủy không còn cử động như một người bình thường, đầu óc ít khi được tỉnh táo, do di chứng của tai nạn gây ra.

Từ ngày chị bị TNGT, di chứng chấn thương sọ não khiến chị không thể tự đi lại. Kinh tế gia đình vốn khó khăn, nay lại càng khánh kiệt.

Đây chỉ là 2 trong số hàng chục nạn nhân TNGT cần được bỗ trợ. Ở họ đa phần đều có điểm chung là mất đi khả năng sinh hoạt, mọi hoạt động cần sự giúp đỡ của người thân.

Theo đánh giá của ngành Y tế, chấn thương sọ não do TNGT nếu đã bị thì đều thuộc diện nặng, hiếm khi có người bị nhẹ. Thường thì người bị nạn sẽ bị hai dạng chính của chấn thương sọ não là giập não và máu tụ nội sọ. Rất ít gặp các trường hợp chỉ bị chấn động não, loại nhẹ nhất trong danh mục của dạng tổn thương này.

Trong những năm gần đây, số lượng nạn nhân bị chấn thương sọ não do TNGT có chiều hướng gia tăng. Đối với những trường hợp này thì thông thường kinh tế gia đình rất khó khăn, người gặp tai nạn thì không thể tự chủ được bản thân trong sinh hoạt hằng ngày. ”Chấn thương sọ não do TNGT đa phần là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Đặc biệt là đội MBH sai quy cách, mũ không đủ tiêu chuẩn. Những thương tích do tai nạn, những cái chết thương tâm có thể giảm nếu mỗi người tham gia giao thông biết tự bảo vệ mình”, ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết.

Việc kinh doanh mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng vẫn còn diễn ra.

Khó hướng đến con số 100%

Theo ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia, từ khi quy định đội MBH khi tham giao thông có hiệu lực từ năm 2007 đến nay, bằng nhiều giải pháp cụ thể, số người chấp hành quy định đã được cải thiện đáng kể, qua thống kê đã có khoảng 90% số người chấp hành theo quy định. Tuy nhiên, để đạt được con số tuyệt đối 100% là điều rất khó khăn, trong khi nhận thức và sự chủ quan của người dân còn nhiều điều đáng bàn.

Tại Cà Mau, nhằm duy trì và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đội MBH đảm bảo chất lượng khi tham gia giao thông; địa phương đã tập trung tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh và nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên. Theo đó, Ban An toàn giao thông đã kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH triển khai chương trình đổi MBH chất lượng có trợ giá cho người dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả từ năm 2007 đến nay, đã đổi hơn 12 ngàn mũ, qua đó cũng đã thu hồi, tiêu hủy một lượng lớn MBH cũ, không đảm bảo chất lượng.

Triển khai việc thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em và Chương trình vận động hỗ trợ MBH “Trọn nghĩa đồng bào – Ấm tình cha mẹ” theo chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh, cơ quan thành viên; Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố đã triển khai đồng bộ mở các đợt cao điểm tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã có sự tác động mạnh mẽ đến nhận thức của phụ huynh, học sinh về tự giác chấp hành quy định của pháp luật về đội MBH nói chung và cho trẻ em nói riêng khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học đã có nhận thức sâu sắc hơn trong việc triển khai các biện pháp tuyên truyền giáo dục bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với việc thực hiện nghiêm túc quy định về đội MBH cho học sinh tại đơn vị.

Mặc dù vậy, trên thực tế đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong đó có việc chấp hành đội MBH vẫn còn nhiều hạn chế: Việc kinh doanh những loại MBH không đảm bảo chất lượng còn diễn ra, ý thức chấp hành quy định còn kém, đặc biệt là khu vực nông thôn, một bộ phận giới trẻ và phụ huynh học sinh còn xem nhẹ tầm quan trọng của MBH khi tham gia giao thông. Điều này dẫn đến những rủi ro tai nạn thương tâm vẫn còn xảy ra bất cứ lúc nào.

Hiện nay, việc chấp hành chủ trương bắt buộc đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện còn chưa được thực hiện triệt để, nhiều nơi còn chưa tốt, nhất là tại các tuyến giao thông nông thôn, liên huyện, liên xã hoặc tại các đô thị vào dịp lễ, tết, các đợt nghỉ dài ngày. Một số đối tượng ngang nhiên vi phạm hoặc chấp hành theo kiểu đối phó. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận các cấp chính quyền, các đơn vị vẫn vào cuộc theo phong trào; việc kiểm soát của lực lượng công an chưa quyết liệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *