Chất vấn công tác quản lý đô thị và phát triển kinh tế

Ông Dư Minh Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng trả lời các vấn đề xoay quanh công tác quản lý đô thị.

Ông Dư Minh Hùng cho biết, hiện hầu hết các địa phương chỉ thực hiện xong nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mà chưa có nguồn kinh phí thực hiện. Năm 2019, Cà Mau rà soát, thực hiện các đồ án quy hoạch với nhu cầu nguồn vốn 136 tỷ đồng, năm 2020 đã bố trí nguồn ngân sách tỉnh 28 tỷ đồng thực hiện các đồ án quy hoạch đô thị, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Với TP. Cà Mau, quyết tâm hết năm nay sẽ hoàn thành quy hoạch chung đô thị, có tầm nhìn tốt hơn trong tương lai từ tư vấn nước ngoài.

4.200 hộ thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở

Về nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, ông Hùng dẫn chứng từ kết quả điều tra của Bộ Xây dựng, có đến 43% có nhu cầu về nhà ở. Tại TP. Cà Mau, hiện có 4.200 hộ có thu nhập thấp (thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng). Đây là nhu cầu thực tế, thông qua định hướng về phát triển nhà ở đến năm 2025, TP. Cà Mau cố gắng phát triển 1.000 nhà ở xã hội. Hiện, TP. Cà Mau có 2 dự án đang triển khai (9ha và 4ha), nếu thực hiện đúng theo quy hoạch thì sẽ giải quyết được cho khoảng 800 hộ có nhu cầu về nhà ở.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh còn 30ha được quy hoạch xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp thuộc vùng dự án các khu đô thị mới (thuộc diện quy định dành 20% cho nhà ở xã hội), nhưng các nhà đầu tư không mặn mà, bởi không muốn trở thành nhà đầu tư thứ cấp. Về vấn đề này, thời gian tới, Sở sẽ có biện pháp xử lý các nhà đầu tư khu đô thị mới không thực hiện xây dựng nhà ở xã hội trong vùng dự án theo quy định.

“Tại các dự án khu đô thị mới, ngoài khu vực cao cấp thì cũng có phân khúc nền nhà ở thấp. Tuy thấp nhưng vẫn còn khá cao đối với hộ thuộc diện có mức thu nhập thấp, đây là vấn đề nan giải”, ông Hùng nhìn nhận.

Trả lời về tình hình thực hiện dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị tại TP. Cà Mau, ông Dư Minh Hùng thông tin: “Đến nay, vì nhiều lý do chưa thể thực hiện và vùng dự án có sự thu hẹp khá lớn từ sự điều chỉnh chủ trương đầu tư, chỉ vài phường được triển khai thực hiện. Và như thế, khi hoàn thành dự án thì cũng chỉ giải quyết bức xúc một số khu vực, chưa mang tính toàn diện, trong khi theo quy định, đô thị phải có hệ thống xử lý nước thải. Dự kiến Quý II/2021 sẽ tiến hành đấu thầu, khởi công dự án”.

Về chống ngập thành phố hiện nay, ông Hùng cho biết đang hướng tới việc nâng cao độ hay tiến hành bơm cưỡng bức, tùy theo khu vực mà triển khai thực hiện sau khảo sát thực tế.

Về chi tiền hỗ trợ xử lý rác thải đối với Nhà máy Xử ý rác thải TP. Cà Mau, ông Hùng cho rằng đã thực hiện nhiều cách, nhiều thời gian, nhưng chưa xác định được tỷ lệ chôn lấp rác thải sau phân loại xử lý theo quy định, nên tỉnh ngưng việc chi hỗ trợ.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng đã trả lời đại biểu về các nội dung liên quan đến trật tự đô thị, nhất là việc kinh doanh, mua bán lấn chiếm lề đường, hè phố; xây cất nhà ở trái phép, hẻm tự mở…

Còn 115 tàu chưa gắn thiết bị giám sát

Ông Lê Thanh Triều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời những nội dung liên quan trên lĩnh vực phát triển kinh tế rừng.

Trả lời về nguyên nhân còn 115 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, ông Lê Thanh Triều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Do Cà Mau triển khai bắt buộc lắp đặt trước khi Luật Thủy sản có hiệu lực, nên còn nhiều khó khăn, chưa có chế tài xử lý các trường hợp chậm lắp đặt; chi phí lặp đặt thiết bị khá cao, trong khi điều kiện kinh tế của nhiều chủ tàu còn khó khăn; một số chủ tàu chưa tích cực thực hiện; viện dẫn nhiều lý do, nguyên nhân khác nhau, kéo dài thời gian không lắp đặt…Về xử lý ngắt kết nối thiết bị giám sát, trong năm 2020, tổng số đã phát hiện, xử lý 14 vụ vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, với số tiền xử phạt trên 2 tỷ đồng”.

Nêu ra hàng loạt các giải pháp thực hiện việc gắn thiết bị giám sát tàu cá thời gian tới, ông Lê Thanh Triều nhấn mạnh đến việc không cho ra biển hoạt động đối với tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị nhưng chưa lắp đặt; hoặc mất kết nối.

Các đại biểu còn chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các nội dung liên quan trên lĩnh vực kinh tế rừng, trong đó tập trung việc buộc khôi phục lại diện tích rừng đối với diện tích đất rừng bị các doanh nghiệp thuê trồng chuối…

Các đại biểu còn chất vấn các nội dung liên quan đến dạy thêm học thêm; quản lý chất lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hạ tầng giao thông…

Năm 2021, sẽ bố trí đủ vốn cho dự án đường và cầu Phụng Hiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi phát biểu giải trình tại kỳ họp.

Phát biểu giải trình nhiều nội dung được đại biểu đặt ra tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi ghi nhận những đóng góp tích cực của mọi thành phần xã hội, trong đó có sự theo dõi, giám sát kịp thời của các vị đại biểu HĐND tỉnh.

Đặt ra con số 6,5 – 7% về tăng trưởng kinh tế năm 2021 có quá cao hay không, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đây là con số có cơ sở, khi căn cứ vào mức tăng trưởng kinh tế cả nước được Chính phủ quyết định và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nên con số trên cho năm tới đây hoàn toàn đạt được trong điều kiện bình thường.

Nêu lên hàng loạt các dự án đầu tư sắp triển khai, cùng với đó là sự khởi sắc trong thu hút đầu tư, thu ngân sách…Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định nền kinh tế của tỉnh Cà Mau đang trên đà tăng tốc.

Về các nội dung đại biểu đặt ra, cụ thể là việc xây dựng nhà trái phép, hẻm tự phát…, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua đã rất tăng cường, tình hình đã có chiều hướng dừng lại; mong muốn các vị đại biểu nâng cao vai trò giám sát, giúp chính quyền làm tốt hơn vai trò quản lý nhà nước về trật tự đô thị.

Việc sử dụng điện an toàn, ngay sau kỳ họp HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ tiến hành giao Sở Công thương, UBND các huyện thanh tra, kiểm tra, đến từng hộ, trường hợp cụ thể, tăng cường hướng dẫn, buộc sử dụng điện phải an toàn, cần thiết phải áp dụng theo quy định mà xử lý, nhằm nêu cao trách nhiệm, nâng cao ý thức người dân trong sử dụng điện an toàn.

“Đây là dự án trọng điểm, trục giao thông phát triển”, Phó Chủ tịch UBND Lâm Văn Bi nói về dự án đường và cầu Phụng Hiệp, kết nối từ đường Nguyễn Trãi (Phường 9) sang Quản Lộ – Phụng Hiệp (Phường 5). Dự án được thực hiện từ năm 2012, sau thời gian triển khai thì “trùm mền” do “khát” vốn. Chậm tiến độ, không phát huy hiệu quả đầu tư đã là lãng phí. “Thông tin tôi nắm được, năm 2021 này, Bộ Giao thông vận tải sẽ bố trí đủ vốn, hy vọng dự án sớm hoàn thành, tạo thuận lợi để Cà Mau có thêm trục phát triển”, ông Lâm Văn Bi chia sẻ.

Được biết, dự án có nguồn đầu tư 502 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Sở Gao thông vận tải quản lý đầu tư. Hiện Bộ chỉ mới bố trí được 261 tỷ đồng, không đủ vốn nên nhà thầu ngưng thi công từ cách nay khá lâu, gây mất mỹ quan đô thị, bức xúc trong nhân dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *