Chật vật với tiêu chí số 11

Cầu “khỉ” chưa được xóa trắng tại một số ấp trên địa bàn.

Hiện Khánh Lâm còn 7 tiêu chí chưa đạt, gồm: Trường học, cơ sở vật chất văn hóa, văn hóa, hộ nghèo, thu nhập, giao thông, môi trường. Khó nhất chính là tiêu chí hộ nghèo.

Toàn xã có 14 ấp, địa bàn rộng. Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía, hạ tầng, kinh tế, xã hội từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, qua điều tra rà soát, xét hộ nghèo năm 2015, theo tiêu chí đa chiều giai đoạn 2016 – 2021, toàn xã có 1.175 hộ nghèo chiếm 33,37% và 179 hộ cận nghèo, chiếm 5,08%. Sau 3 năm nỗ lực phấn đấu, hiện nay, xã còn 809 hộ nghèo, chiếm 22,77% và 157 hộ cận nghèo, chiếm 4,42%, tỷ lệ khá cao. Và để hướng đến đạt tiêu chí hộ nghèo, xã phải phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 4%, là một điều rất khó khăn.

Ấp 11 là một trong những ấp có tỷ lệ hộ nghèo khá cao của xã, với hơn 30% hộ nghèo. Phần lớn hộ nghèo do không có đất ở, thiếu tư liệu sản xuất. Gia đình bà Phan Thị Tuyết là một trong những gia đình cố cựu của Ấp 11, đã gần 50 tuổi nhưng không làm sao thoát nghèo được. Vợ chồng bà Tuyết không đất canh tác, phải làm thuê kiếm sống và phải lo cho đứa con đã 26 tuổi bị câm, không khả năng lao động. Căn nhà gia đình bà Tuyết đang ở cũng được cất bằng cây lá của những nhà gần đó cho, giờ cũng đã dột nát, vách lá lưa thưa, không biết có thể trụ vững qua mùa mưa này không.

Nhiều tuyến lộ trên các ấp lâm phần thiếu vốn đầu tư xây dựng, trẻ em đến trường gặp nhiều khó khăn.

Là hàng xóm của bà Tuyết, gia đình chị Trần Thị Hiên còn khó khăn hơn. Vợ chồng chị Hiên có 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và đứa con gái lớn nhất chỉ mới 14 tuổi. Căn nhà của chị Hiên chỉ còn trơ lại bức tường mặt trước nhà, gia đình chị phải sinh hoạt trong căn chòi che tạm phía sau đã 3 năm nay mà chưa có tiền để sửa chữa. Ngày nắng còn đỡ vất vả, ngày mưa cả nhà chen chút nhau trong căn chòi lá dột nát, phải che tạm bằng cao su. Nền đất tẹp nhẹp, căn chòi chỉ đủ chỗ che chắn cho 2 bộ vạc và giường ngủ. Gian bếp lặng lẽ, không lửa củi và chẳng có mấy cái nồi niêu được sử dụng.

Chị Hiên đi làm thuê cho Trại Lúa giống Khánh Lâm 1, mỗi ngày được 120.000 đồng, nhưng công việc cũng không thường xuyên. Chồng chị thì ai thuê gì làm nấy, những khi 2 vợ chồng không ai thuê thì phải vay mượn hàng xóm để lo gạo, rồi trả lại sau. Đứa con gái lớn năm học này cũng vào lớp 9 nhưng chuyện học hành của các con chị vẫn còn bấp bênh. Chị Hiên cho biết: “Con bé ham học, cũng tính cho học nữa mà khả năng chắc cho hết lớp 9 là nghỉ rồi. Hoàn cảnh nghèo, 3 – 4 bữa thì mua chục ký gạo, tội nghiệp cha mẹ không có tiền, nó phải đi nhổ hẹ nước bán lấy tiền tự mua sách vở, giày dép để đi học. Cũng muốn con không giống như mình, nhưng cuộc sống lo tới đâu hay tới đó”.

7 tiêu chí chưa đạt của xã Khánh Lâm cần nguồn vốn hỗ trợ kịp thời để về đích đúng hẹn.

Ông Huỳnh Thanh Luôl, Phó Chủ tịch UBND xã: “Trên địa bàn xã, một số bà con sống nhờ nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa, đặc biệt, bà con sống trong lâm phần là khó khăn nhất, xã có 4 ấp trong đất lâm phần. Những hộ chính còn đỡ, những hộ cho con ra riêng, họ chỉ có 1 phần đất vậy thôi nên ra riêng chỉ cho được nền nhà, thiếu tư liệu sản xuất và khó có khả năng thoát nghèo”.

Theo lộ trình, xã Khánh Lâm sẽ đạt chuẩn NTM trước năm 2020. Xã đề ra kế hoạch triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực trên địa bàn xã theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Rà soát các mô hình sản xuất có hiệu quả để nhân rộng, chú trọng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Vận động và hướng dẫn hộ dân cải tạo vườn tạp để sản xuất tăng thu nhập.

Đó là những biện pháp thực tế, cụ thể để hỗ trợ các hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, với con số trên 22% tỷ lệ hộ nghèo không tư liệu sản xuất, giải pháp thoát nghèo vẫn là trăn trở lớn đối với xã.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *