Châu Thành – mãi bất tử với quê hương!

VÙNG ĐẤT ANH HÙNG

Châu Thành là tên một huyện lỵ trước đây của tỉnh Cà Mau, được thành lập năm 1959, gồm 6 xã: Hòa Thành, Định Thành, Thạnh Phú, Lợi An, An Xuyên, Tân Thành và thị trấn Tắc Vân (các xã này nay thuộc tỉnh Cà Mau và một phần tỉnh Bạc Liêu). Do địa bàn thưa thớt, Châu Thành không có vùng căn cứ vững chắc để đứng chân hoạt động, trong thời gian địch bình định ác liệt, các cơ quan huyện ủy, quân y, dân y phải ở nhờ huyện bạn; còn cán bộ, chiến sĩ phải bám trụ trong dân ở ấp chiến lược hoặc sát đồn địch. Tháng 5/1972, Châu Thành được chia tách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động, gồm: Thị trấn Tắc Vân và các xã: Khương Kiện, Phong Thạnh Đông, Phong Thạnh Tây, An Xuyên, Tân Lộc, Hồ Thị Kỷ, Tân Thành.

Những cựu chiến binh, những người từng tham gia địa phương quân Châu Thành cùng ôn lại kỷ niệm một thời máu lửa.

Đơn vị địa phương quân huyện Châu Thành được thành lập vào ngày 11/9/1960, mang phiên hiệu 1.021 – đó cũng là quân số ban đầu của đơn vị. Theo từng giai đoạn cách mạng, địa phương quân Châu Thành phát triển nhanh về quân số. Từ một trung đội khi mới ra đời, đến năm 1966 phát triển thành đại đội, năm 1972 là hai đại đội. Năm 1975, để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân, địa phương quân Châu Thành được biên chế thành Tiểu đoàn (phiên hiệu K12), 1 trung đội công binh, 1 trung đội đặc công.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Châu Thành là địa bàn thuận lợi để địch thí điểm thực hiện các cuộc bình định, kìm kẹp dân, làm bàn đạp tấn công vùng căn cứ của ta. Châu Thành lúc đó chỉ có 62 ấp, nhưng có lúc địch đóng đến 63 đồn. Lực lượng địa phương quân Châu Thành đóng góp bao xương máu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Chỉ tính riêng từ tháng 5/1972 đến tháng 6/1973, lực lượng địa phương quân Châu Thành đã tiêu diệt 8 đồn, hàng trăm tên địch. Một trong những trận đánh thắng lợi lớn có thể kể đến là trận tiêu diệt Đồn 19, xã Phong Thạnh Đông, khi chỉ trong một đêm, địa phương quân đã tiêu diệt 2 đồn địch.

Đoàn viên, học sinh Phường 5, TP. Cà Mau, tìm hiểu truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương.

Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ huy Huyện đội Châu Thành quán triệt trong lực lượng vũ trang toàn huyện: “Mở đợt tấn công liên tục bao vây bứt hàng, bứt rút, đánh tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch bằng 3 mũi giáp công và chuẩn bị về mọi mặt sẵn sàng đáp ứng theo yêu cầu của chiến dịch”. Mưu trí, dũng cảm đối mặt với kẻ thù, sáng 29/4/1975, K12 Châu Thành chiếm hoàn toàn Đồn Hòa Thành, tiến đến tiếp quản Chi khu Quản Long (Tắc Vân) vào sáng 30/4/1975. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng được K12 treo trên nóc dinh quận trong không khí reo hò hạnh phúc và nước mắt tự hào…

NHỮNG CON NGƯỜI KIÊN TRUNG

Với quan điểm tự lực tự cường, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh và đặc biệt là luôn kết hợp chặt chẽ giữa mũi quân sự với mũi binh vận, từ đó Châu Thành đánh địch bằng binh vận liên tục, đánh bồi, đánh nhồi và liên tiếp giành thắng lợi. Từ thành tích vẻ vang ấy mà huyện Châu Thành có tới 5/7 xã được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí Phan Thị Đẹt được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, tài liệu, đưa rước cán bộ, bà Phan Thị Đẹt (quê ở Tân Thuận, Đầm Dơi) lập được nhiều chiến công. Bà khéo léo, mưu trí làm quen với bọn lính ở đồn bót địch, đồng thời âm thầm xây dựng cơ sở cách mạng trong dân, để đề phòng bất trắc. Nhiều lần, bà lợi dụng địch để giúp mình hoàn thành nhiệm vụ. Có lần bà vận chuyển gần 10 tấn vũ khí, được ngụy trang bằng muối hột, xuồng bị mắc cừ, đường vắng, bà không cách nào đẩy nổi. Khi thấy tàu sắt của địch đi ngang, bà nhờ kéo xuồng, nhưng bọn lính yêu cầu bà đổ muối xuống sông để xuồng nổi lên. Lúc này bà bình tĩnh than vãn hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, mẹ góa con côi, bọn địch thấy vậy liền giúp bà. Sự thật, hoàn cảnh của bà Đẹt rất khó khăn, với 6 người con, lúc bấy giờ 2 đứa lớn đi bộ đội, đứa nhỏ nhất chỉ lên 5 tuổi. Khi có nhiệm vụ, bà đành gửi con lại cho hàng xóm chăm nom, sẵn sàng lên đường, trực tiếp đối mặt với kẻ thù và lập nhiều chiến công. Tháng 11/1979, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, 17 tuổi, Nguyễn Văn Hai (Hai Cua) ở ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú (Cái Nước) đã tham gia cách mạng. Tuổi trẻ, gan dạ, ông luôn xung phong đi đầu trong chiến đấu. Nhắc lại kỷ niệm chiến đấu, ông Hai Cua bộc bạch: “Đó là thời kỳ gian lao mà hào hùng, tình quân dân thắm nghĩa tình. Nhớ những khi ở trong rừng, mọi sinh hoạt đều bằng nước mặn, thiếu thốn lương thực, bà con nhân dân không ngại hiểm nguy tiếp tế vật chất, động viên tinh thần để bộ đội hoàn thành nhiệm vụ”. Ngày 30/4/1975, ông Hai Cua là Tiểu đoàn trưởng K12, trực tiếp chỉ huy lực lượng tấn công tiêu diệt thành công nhiều cụm đồn, góp phần giải phóng Cà Mau và miền Nam đất nước. Sau hòa bình, ông Hai Cua tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia đến hết năm 1981.

Trong thời điểm tình hình huyện Châu Thành vô cùng khó khăn, ác liệt, vào năm 1969 ông Trần Văn Nhạn (Sáu Nhạn), quê xã Định Thành – Châu Thành (nay là Đông Hải – Bạc Liêu) tình nguyện nhập ngũ. Với tác phong nhanh nhẹn, gan dạ, ở tuổi 20, Sáu Nhạn được đề bạt làm Đại đội trưởng của đơn vị địa phương quân Châu Thành. Từ khi nhập ngũ đến ngày giải phóng, ông đã tham gia tiêu diệt nhiều đồn bót địch và giữ nhiều vị trí quan trọng trong quân ngũ. 54 vết thương trên người, 2 lần mổ bụng lấy đạn, nhiều năm qua đôi mắt ông bị lòa vì di chứng bom đạn… điều đáng trân trọng ở người thương binh 1/4 này không chỉ ở ý chí mạnh mẽ trong đấu tranh mà còn trên mặt trận kinh tế và nghĩa tình với quê hương, đồng đội. Hiệu quả từ mô hình nuôi trồng thủy sản, nuôi cá bống tượng, gia đình ông có điều kiện để thực hiện điều ấp ủ. Từ năm 2005 đến nay, gia đình ông đã hỗ trợ xây dựng 12 cầu giao thông nông thôn trên quê hương Châu Thành và những nơi ghi dấu kỷ niệm thời chiến.

Hàng năm, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những người con Châu Thành tổ chức họp mặt luân phiên tại các vùng căn cứ xưa, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời hào hùng, bất khuất giữ đất quê hương. Năm nay, buổi họp mặt sẽ được diễn ra tại nhà một cựu chiến binh ở ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.

Với họ, tên Châu Thành đã trở thành một phần hào hùng của quá khứ vàng son của quê hương và sẽ mãi bất tử với thời gian.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *