“Chi cho nhiệm vụ chính trị quá lớn”

Đoàn giám sát đã trực tiếp làm việc với UBND huyện Đầm Dơi, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế huyện Đầm Dơi, thị trấn Đầm Dơi và xã Tân Dân.

Đối với huyện Đầm Dơi, trong quá trình triển khai nghị quyết vẫn còn nhiều bất cập: Nguồn thu xử phạt hành chính, phạt, tịch thu khác… được đưa vào cân đối ngân sách huyện hưởng 100%. Tuy nhiên, qua thực tế, huyện phải chi lại cho hoạt động này trên lĩnh vực tệ nạn xã hội rất lớn, nếu nguồn thu này đưa vào cân đối ngân sách, huyện hết sức khó khăn.

Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc.

UBND huyện Đầm Dơi kiến nghị tỉnh nên để lại thu quản lý ngân sách, không đưa vào thu cân đối ngân sách; tỉnh nên xem xét, phân bổ nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và kinh phí huấn luyện dân quân tự vệ cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thời gian tới, tỉnh cần phân bổ thêm kinh phí hoạt động đặc thù cho các trường có học sinh ít, địa bàn khó khăn…

Thị trấn Đầm Dơi và xã Tân Dân kiến nghị Ban Kinh tế – Ngân sách nên tham mưu tăng phụ cấp cho cán bộ ấp, khóm; tùy theo địa bàn xã và thị trấn mà phân bổ nguồn thu ngân sách; hàng năm nên bổ sung nguồn kinh phí kịp thời cho các xã thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh.

Ngành Giáo dục và Y tế của huyện Đầm Dơi cũng trăn trở nhiều về việc phân bổ dự toán kinh phí cho ngành mình.

Vần đề này, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh, ông Đoàn Quốc Khởi cho biết: Ngành và các địa phương đang ngộ nhận về thẩm quyền, chế độ xây dựng dự toán ngân sách. Đối với giáo dục của Đầm Dơi hiện nay so với chuẩn chung của cả nước thì qua cân đối ngân sách còn dư hơn 0,5 tỷ đồng.

Đối với ngành Y tế thì từ việc thu dịch vụ là nhiệm vụ của mình dựa vào dự toán chứ không thông qua ngân sách nữa.

Ông Khởi chia sẻ thêm: Một thực tế hiện nay, không riêng gì Đầm Dơi, chúng ta thực hiện việc chi cho nhiệm vụ chính trị quá lớn, đã làm giảm chi cho nhiệm vụ hành chính khác.

Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh – ông Trần Ngọc Diệp cho biết: Trên cơ sở giám sát, Ban sẽ đánh giá, phân tích những ưu điểm và nhược điểm của nghị quyết này; từ đó đề xuất, kiến nghị giải pháp để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện nghị quyết; kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế, nhiệm vụ trong thời kỳ ổn định ngân sách.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *