Chỉ số đào tạo lao động chưa cao

Hiện tại, lao động nông thôn chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo nhưng không sát với thực tiễn vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Nhìn nhận đúng thực trạng

Hiện tại, sự biến đổi của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập đã và đang mở ra nhiều lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh mới, hàng năm có rất nhiều doanh nghiệp (DN) mới được thành lập. Nhu cầu sử dụng lao động rất lớn. Tuy nhiên nhiều DN vẫn không tuyển dụng đủ, tốn nhiều chi phí. Trong khi sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn rất nhiều. Lao động qua đào tạo chất lượng còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu bản lĩnh và kỹ năng thuyết trình khi phỏng vấn; năng lực chuyên môn mang tính lý thuyết, thiếu tính thực tiễn; không khẳng định được giá trị “sức lao động” của mình có chất lượng thế nào. Các DN thì thường ưu tiên tuyển dụng những người có kinh nghiệm.

Vấn đề đào tạo còn mang nặng cơ chế hành chính hóa, thiếu năng động, chưa theo sát nhu cầu thị trường lao động, dẫn đến chất lượng đào tạo xa rời thực tiễn, người dạy và người học còn xem trọng bằng cấp mà không quan tâm nhiều đến chất lượng. Nhu cầu ngành nghề mà DN cần tuyển dụng chưa được rà soát, thống kê, nên cơ sở đào tạo chỉ làm những gì mình có, chứ không xem xét những gì thị trường cần.

Về mô hình đào tạo, theo chủ trương của Chính phủ, đã và đang thực hiện mô hình xã hội hóa, nhưng chỉ mới xã hội hóa ở cao đẳng, đại học và chuyên ngành ngoại ngữ, còn dịch vụ tái đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng chuyên môn chưa phát triển.

Sẽ đào tạo lao động theo nhu cầu

Bà Trương Linh Phượng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cà Mau: Kết quả đào tạo lao động mặc dù hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch nhưng xét trên cơ cấu ngành nghề, vẫn chưa thực sự phù hợp với định hướng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, dịch vụ, thương mại, du lịch.

Hiện tại, các khu công nghiệp trên địa bàn chưa thu hút nhiều DN vào đầu tư nên công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm còn gặp khó khăn. Một số DN sản xuất kinh doanh không thu hút được người lao động, khiến người lao động chưa quan tâm học nghề. Do đó, số lao động qua đào tạo ngắn hạn các nghề phi nông nghiệp gắn với tuyển dụng lao động chưa nhiều. Đa phần tập trung vào đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Các DN, đặc biệt là DN chế biến thủy sản đa số không quan tâm đến đào tạo nghề.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao trong cải thiện chỉ số thành phần này, bà Trương Linh Phượng cho biết đơn vị cũng đã xác định những nhóm giải pháp cần thực hiện. Trong đó sẽ tham mưu phối hợp tổ chức thực hiện hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề năm 2018 là 35.000 người, trong đó tuyển mới là 2.200 người trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề và dạy nghề ngắn hạn sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 22.800 người, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 10.000 người.

Thêm vào đó, sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo nghề cho DN, đào tạo từ nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ 1 – 2 lớp cho DN, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước với DN trong lĩnh vực đào tạo… Thông tin bằng phiếu từ 1 – 2 lần/năm với DN về nhu cầu đào tạo và mức độ hài lòng với lao động. Tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động thông qua sàn giao dịch việc làm được tổ chức từng quý. Phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh mời 250 DN nhỏ và vừa tổ chức hội nghị đối thoại, gặp gỡ trực tiếp để tiếp nhận kiến nghị của DN, công khai việc giải quyết kiến nghị của DN liên quan đến Luật Lao động, Luật Công đoàn và Luật Bảo hiểm xã hội, để kịp thời trao đổi, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *