“Chiếc thẻ vàng” và uy tín hải sản Việt

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Bí thư Huyện ủy huyện Trần Văn Thời:

Hiện nay, việc triển khai Chỉ thị 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là trọng tâm và cấp bách. Đề phòng các thị trường khác “noi gương” Liên minh Châu Âu, ngành hải sản Việt sẽ đi về đâu; hệ quả lớn hơn là “bán rẻ” ngành Thủy sản và sinh mạng của ngư dân, đây là điều cần tránh với những biện pháp quyết liệt. Cần thay đổi nhận thức và thấy rõ trách nhiệm trong nhiệm vụ chính trị này.

Chỉ thị 11 về cơ sở

Trước sức “nóng” dần của việc ngư dân Cà Mau khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài, Chỉ thị 11 nhằm giúp cán bộ và ngư dân hiểu, chấp hành những quy định của pháp luật về vấn đề này. Các địa phương có nhiều phương tiện khai thác biển: Trần Văn Thời, U Minh, Ngọc Hiển đang khẩn trương cụ thể hóa chủ trương lớn này về cơ sở, với tinh thần trách nhiệm cao.

Toàn huyện Trần Văn Thời hiện có 2.473 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 1.393 phương tiện công suất trên 90CV, có khả năng tham gia khai thác xa bờ, đánh bắt dài ngày trên biển và kết hợp với việc tham gia bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biên giới biển, hải đảo.
Do một số tàu thuyền của huyện khá lớn nên việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát phương tiện trên biển gặp nhiều khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giám sát hành trình hoạt động của tàu cá trên biển còn nhiều hạn chế. Nhiều ngư dân chưa chấp hành nghiêm việc bật các thiết bị định vị hay hệ thống thông tin liên lạc khi hoạt động ở vùng biển xa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Sử Văn Minh trăn trở: Nếu bị rút “thẻ đỏ”, không những bị cấm xuất khẩu sang thị trường châu Âu mặt hàng hải sản mà cả các mặt hàng khác: Nông sản, thủy sản. Khi đó, châu Âu sẽ khắt khe hơn lúc nào hết: Kiểm tra tất cả các lô hàng đã nhập khẩu sang thị trường này; kiểm tra nhật ký khai thác; hàng thủy sản khi xuất khẩu phải qua cảng… Những tiêu chuẩn này thì địa phương như Trần Văn Thời hầu như không đáp ứng được yêu cầu.

Ông Minh cũng thừa nhận, đã qua, công tác kiểm tra hết sức lỏng lẻo. Hơn 10 năm, từ khi có quy định ghi chép nhật ký khai thác, đa phần các chủ phương tiện khai thác biển không chấp hành chủ trương này. Nghĩ về xa hơn, nếu bị cấm vận thì hàng hải sản sẽ xuất đi đâu, khi mất 30% thị trường châu Âu, chưa kể các thị trường khác xem châu Âu mà cấm vận theo.

Trong khi đó, công tác đăng ký, đăng kiểm do Chi cục Đăng ký thực hiện nhưng quyết định cho ra khai thác thì thuộc về Biên phòng; phương tiện đăng ký đăng kiểm ngành nghề khai thác là câu mực nhưng khi vi phạm lại là cào con banh lông. Vấn đề này tưởng chừng như phi lý nhưng khi tìm hiểu thì biết rằng tính chất của vấn đề này ngày càng phức tạp hơn khi các chủ phương tiện đã định vị vị trí ngoài biển, để ngư lưới cụ ngoài biển và đăng ký là câu mực nhưng khi ra khai thác banh lông là sai quy định; trên ghe câu mực nhưng lúc nào cũng có cần cẩu để cẩu ngư lưới cụ cào banh lông.

Vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Lê Phong cho biết tới đây, địa phương sẽ mạnh tay xử lý đối với những trường hợp tàu đăng ký phương tiện khai thác không đúng quy định, đăng ký ban đầu. Kể cả những cơ sở sản xuất ra các thiết bị cào banh lông. Việc cam kết của các chủ phương tiện không còn đơn phương với Biên phòng nữa, mà có sự kết hợp nhiều ngành chuyên môn và các địa phương.

Ông Phong cho biết thêm, ngoài công tác cam kết ra thì huyện sẽ khuyến khích người dân mạnh dạn hơn trong việc tố giác hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài của các phương tiện ngay từ gốc. Song song đó, Biên phòng và Thanh tra Thủy sản sẽ mạnh tay hơn chứ không còn “dễ dãi” như đã qua. UBND các xã, thị trấn ven biển bổ sung vào nghị quyết năm cũng như nghị quyết của nhiệm kỳ và có báo cáo về Thường vụ Huyện ủy. Các xưởng gia công và sản xuất ra thiết bị cào banh lông, đề nghị phá bỏ và cần thiết là tịch thu các phương tiện này. 5 xã, thị trấn ven biển có Thường vụ Huyện ủy phụ trách phải tăng cường công tác này, nếu để xảy ra sai phạm sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy.

Nói về tính chủ động của địa phương, ông Lê Phong cho biết thêm, huyện đã xây dựng kế hoạch trước khi Chỉ thị 11 ban hành, các xã, thị trấn Sông Đốc cũng đã có tinh thần trách nhiệm khá cao trong công tác này. Nhưng vì lợi nhuận, các chủ tàu đã cố tình vi phạm. Kiểm điểm ở đây là do công tác tuyên truyền chưa “thấm”.

Tuyên truyền ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài tại Trạm Kiểm soát Đồn Biên phòng Sông Đốc. Ảnh: LOAN PHƯƠNG

Thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm

Lãnh đạo huyện Trần Văn Thời cũng cho biết thêm, huyện sẽ kiên quyết đến ngày 30/6, trên 50% phương tiện của huyện sẽ được gắn thiết bị giám sát hành trình và tới ngày 30/12, toàn bộ các phương tiện có công suất trên 90CV phải được gắn thiết bị này. Khắc phục những khó khăn mà ngư dân gặp phải trong việc gắn thiết bị giám sát hành trình, lãnh đạo huyện Trần Văn Thời kiến nghị Công ty Viễn thông Viettel cần nghiên cứu và cải thiện tình trạng hao pin của các thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo ngư dân sử dụng thiết bị này trong những chuyến khai thác dài ngày trên biển.

Về các dịch vụ hậu cần nghề cá, ông Sử Văn Minh cho biết, huyện cũng sẽ triển khai việc cấm các chủ vựa mua các sản phẩm thủy hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, mà cơ sở căn cứ là phương tiện đó phải có nhật ký khai thác và phải qua cảng khi tiến hành hoạt động mua bán.

Với tính chất quan trọng của vấn đề, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời, ông Nguyễn Quốc Thanh nhấn mạnh: Tới đây, huyện sẽ đi vào những mục tiêu cụ thể để tuyên truyền đảm bảo tính khả thi và hiệu quả: Tăng cường tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức cho ngư dân, thuyền trưởng không vi phạm pháp luật Việt Nam và nước ngoài khi khai thác biển; chủ tàu, thuyền trưởng phải ký cam kết khi khai thác xa bờ; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các phương tiện khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính ở mức cao nhất đối với chủ tàu vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép, mua chuộc trái phép tàu cá vừa bị bắt đưa về Việt Nam.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trần Văn Thời, ông Nguyễn Tuấn đề xuất thêm: Bộ Ngoại giao cần liên hệ với phía nước bạn Malaysia đưa những phương tiện và công dân của chúng ta đang sống và khai thác thủy sản ở các đảo của quốc gia này về nước. Về giải pháp dài hơi, cần triển khai ngay việc chuyển đổi ngành nghề; giúp người dân an cư lạc nghiệp thì ngành khai thác thủy sản mới phát triển bền vững.

Sau 6 tháng bị gắn “thẻ vàng”, nếu không đáp ứng các yêu cầu của Ủy ban Châu Âu, thủy sản Việt sẽ bị phạt “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Liên minh Châu Âu (EU) sẽ bị cấm. Để giữ vững thị trường lớn (chiếm tới 30% giá trị xuất khẩu thủy sản) Việt Nam đã, đang và sẽ hành động để thay đổi và đáp ứng.Theo đó, sẽ nỗ lực lấy lại “thẻ xanh” bằng 9 khuyến nghị: Hoàn thiện thể chế; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài…

Trong 6 tháng qua, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc hết sức quyết liệt, từ chỉ đạo của Thủ tướng đến hành động của Bộ, ngành chủ quản và các địa phương với một mục đích chung: Khắc phục “thẻ vàng”, thúc đẩy ngành Thủy sản phát triển bền vững, có trách nhiệm; góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế.

Vừa qua, Tổng cục Thủy sản Việt Nam có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau, nội dung quan trọng liên quan đến chiếc “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với hải sản Việt Nam. Cũng từ buổi làm việc này, thông tin chính thức về chuyến kiểm tra của tổ chức này sẽ bắt đầu từ ngày 15 – 27/5; hình thức kiểm tra và khu vực kiểm tra sẽ không được báo trước. Chính vì thế, nhiệm vụ của ngành thủy sản là làm sao để thực hiện hoàn chỉnh và hiệu quả 9 khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, có vậy mới trả lại “thẻ vàng” và giữ gìn uy tín cho hải sản Việt trên trường quốc tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *