Chiến đấu vì độc lập tự do

Tình hình chiến sự và bài ca ra trận

Rạng sáng 17/2/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã huy động hơn 60 vạn binh lính quân đội tràn xuống nhiều tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, thực hiện cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Bắc Kinh cho là “dằn mặt có báo trước”. Các tỉnh mà Trung Quốc dã tâm cho binh lính nã pháo đạn là Quảng Ninh, Hoàng Liên Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên (gọi tắt là Quảng, Hoàng, Cao, Bắc, Lạng, Hà, Tuyên, Thái).

Ngay sau khi Trung Quốc xua quân ồ ạt đánh chiếm một điểm cao, tàn sát dân thường ở tỉnh Lạng Sơn từ 11km ngày đầu tiên, chỉ sau 3 ngày đã dàn quân hơn 100km dọc khắp tuyến biên giới. Máu đào chiến sĩ trên các điểm cao chảy tràn thành suối, hàng ngàn dân thường bị chém giết vô tội, hàng ngàn nóc nhà bị đốt cháy, hàng trăm cây cầu dân sinh bị đánh sập…

Bia ghi công các anh hùng liệt sĩ mặt trận biên giới phía Bắc.

Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, để tiếp thêm sức mạnh cho những người lính trên chiến trường biển ải và hiệu triệu thanh niên lên đường tòng quân nhập ngũ cứu nước, ngay tối 17/2/1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã lặng người khi nghe tin quân xâm lược Trung Quốc tràn qua biên giới. “Khi đó tôi đang phụ trách âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Lập tức, tôi đặt bút viết rất nhanh ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” với câu mở đầu” “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ qua điện thoại từ Hà Nội.

Ngày 20/2/1979, tức là sau 4 ngày, ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” chính thức phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Những ca từ hào hùng: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương”, như ngọn lửa thổi bùng chí khí cách mạng. Điệp khúc “gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới” không chỉ thôi thúc trong triệu triệu trái tim người dân Việt Nam lúc đó, mà còn là lời hiệu triệu, kêu gọi, giục giã thanh niên đất Việt lên đường chiến đấu.

Có lẽ, những ai sinh ra ở thập niên 40, 50, 60 và đầu 70 của thế kỷ 20 không ai không thuộc ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Cho đến bây giờ, sau 40 năm, những ca từ: “Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng. Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca” không chỉ in đậm trong tâm khảm của thế hệ những người lính cầm súng trên chiến trường thủa ấy, mà “ăn sâu bám rễ” vào tâm thức, kể cả những người chưa một lần cầm súng chiến đấu. Và cũng có lẽ dù 40 năm hay 100 năm, hay muôn đời sau, ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của Phạm Tuyên vẫn có sức sống trường tồn. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, dứt khoát phải đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bởi “Việt Nam ơi nước Việt yêu thương, lịch sử đã trao cho người một sứ mệnh thiêng liêng”, nên dù có “mang trên mình còn lắm vết thương” thì triệu triệu người dân đất Việt vẫn “hiên ngang ra chiến trường”, “vì nếp sống cao đẹp cho mọi người độc lập tự do”.

Gác bút nghiên lên đường ra trận

Ngay sau khi ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” lan tỏa khắp cả nước, hàng ngàn, hàng vạn thanh niên Việt Nam xung phong lên biên giới phía Bắc chiến đấu, hàng ngàn sinh viên “gác bút nghiên lên đường ra trận”, hàng trăm ông bố, bà mẹ nơi ruộng vườn “lặng lẽ tiễn con đi”. Để rồi khi tàn cuộc chiến, ngày đón con về là chiếc ba lô và đôi dép cao su mòn gót cùng lá cờ Tổ quốc nhuộm đất chiến hào.

Không xúc động nào hơn một bà mẹ ở Quỳnh Lưu – Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An) viết thư gửi Ban Chỉ huy Tỉnh đội Lạng Sơn, cho con mình ra biên giới. Người mẹ ấy là Phạm Thị Thảo, bà viết lá thư bằng thơ đầy tâm huyết: “Tính đến nay đã bốn trăng rồi/ Lòng xao xuyến bồi hồi không yên dạ/ Ngày đơn vị chuyển quân đi xa quá/ Toàn anh em, đồng đội, cả chỉ huy/ Đường hành quân đành phải ra đi/ Tới Cao Lạng tức thì chiến đấu/ Tuấn con tôi tuổi còn thơ ấu/ Xa gia đình trả nợ máu cho cha…”.

Nơi trận chiến Vị Xuyên 40 năm trước, giờ là rừng núi bạt ngàn cây xanh. Ảnh: THÀNH GIÁC

Người con của bà Thảo là Văn Đức Tuấn. Năm 18 tuổi, anh nhập ngũ huấn luyện tân binh ở Nghi Lâm – Nghệ Tĩnh. Khi nghe Trung Quốc gây ra chiến tranh biên giới phía Bắc, bà Thảo động viên con lên đường ra biên ải chiến đấu, đồng thời viết lá thư đặc biệt bằng thơ gửi Đại đội 5 Ban Chỉ huy Tỉnh đội Lạng Sơn lúc đấy, để con mình được ra trận chiến đấu đánh quân bành trướng.

Một thanh niên đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến phi nghĩa của Trung Quốc đầu năm 1979 khiến thế hệ trẻ Việt Nam lúc đó xúc động và nức lòng tòng quân, đó là chàng trai Phạm Quang Thành, sinh viên năm thứ nhất khoa Toán – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Cũng như nhiều thanh niên lúc đó, căm thù xâm lược, sinh viên Phạm Quang Thành đã viết thư xin lên đường chiến đấu. Lá thư đề ngày 19/2/1979, nội dung như sau: “Kính gửi các thủ trưởng trong đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tên tôi là: Phạm Quang Thành, là học sinh năm thứ nhất khoa Toán – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tôi xin trình bày một việc sau đây: Sau khi nghe sự kiện 4 giờ sáng 17/2/1979, bọn phản động Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ nước ta, lòng tôi như lửa đốt.

Tôi không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của tôi đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu.

Tôi đã làm đơn xin đi chiến đấu, nhưng vì tôi là một người lính đã trở về trường học tập nên việc xin nhập ngũ là rất khó. Chính vì vậy tôi đã đi từ Hà Nội lên đây và sẽ xin vào công tác ở bất cứ đơn vị cầm súng đánh giặc nào.

Tôi biết đó là một khuyết điểm của mình, nhưng đánh xong giặc tôi sẽ xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân với khuyết điểm của mình.

Là một đoàn viên thanh niên cộng sản mang tên Bác Hồ vĩ đại, tôi càng tự hào bao nhiêu thì càng hiểu trách nhiệm của mình bấy nhiêu trong khi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang vọng trong lòng.

Vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho tôi sống và chiến đấu tại nơi đây. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì cấp trên giao phó…”.

Ngay sau khi vào Đại đội bộ binh 3, Tiểu đoàn 1, anh chưa kịp nhận quân phục đã anh dũng hy sinh với cây súng trên tay và bộ quần áo sinh viên trên người. Vào một ngày đông giá buốt đúng 10 tháng sau, gia đình nhận được giấy báo tử do Trung đoàn 2 ký ngày 16/12/1980. Người sinh viên ấy được công nhận liệt sĩ và được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Liệt sĩ Phạm Quang Thành.

Bài ca không thể nào quên

40 năm – một khoảng thời gian khá dài để thay đổi mọi thứ. Vết bụi thời gian cũng làm lu mờ đi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào dĩ vãng, nhưng lịch sử mãi mãi không quên những ngày đau thương ấy.

Trước khi rút quân về nước theo lệnh của Đặng Tiểu Bình, binh lính Trung Quốc dã tâm thực hiện “ba sạch” (giết sạch, phá sạch, cướp sạch). Hàng vạn chiến sĩ đổ máu trên chiến trường dọc biên giới Vị Xuyên, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên; hàng ngàn người dân vô tội chết chóc, hàng trăm cây cầu, công trình bị phá hủy tan thương.

40 năm sau, những trận địa pháo, điểm cao ngày ấy giờ là đồi cọ, nương ngô xanh mướt. Song dưới tầng đất đá vẫn còn xương cốt của bộ đội và người dân. Sự hy sinh anh dũng bi tráng 40 năm trước là bản hùng ca sáng mãi trong lòng người Việt về bài học chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, bất luận dù kẻ thù là ai.

Lần đầu tiên trong lịch sử các báo đài được phép tuyên truyền rộng rãi kể từ sau sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra ngày 17/2/1979. Tuyên truyền không phải để nhắc lại quá khứ đau thương, hay gợi lại “vết hằn” hận thù dân tộc, mà để nhắc nhớ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi và bi tráng của cuộc chiến tranh đánh bọn bành trướng năm 1979 mãi mãi là bài ca không thể nào quên trên con đường vệ quốc của một đất nước có chủ quyền.

Cuộc chiến tranh chống quân xâm lược bành trướng Trung Quốc tháng 2/1979 được coi là cuộc chiến tàn khốc, bi thương nhất trong lịch sử. Cho đến bây giờ, sau 40 năm, dù đã lùi vào dĩ vãng, song không vì thế mà tội ác bị lãng quên. Sự bi thương và hùng tráng của cuộc chiến ấy vẫn hiển hiện sau non nửa thế kỷ và sẽ mãi nhắc nhớ muôn đời hậu thế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *