Chiến thắng số phận! Bài cuối: Những tấm lòng vàng vì nạn nhân da cam

Chuyển biến từ Chỉ thị 43

Cà Mau là vùng căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, là một trong những tỉnh bị phun rải chất khai hoang nặng nhất, hóa chất độc có chứa dioxin cao. Thảm họa da cam vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái, hủy hoại sức khỏe nạn nhân trên địa bàn tỉnh. Không chỉ người tham gia kháng chiến, mà còn có dân thường và các đối tượng khác, con đẻ, cháu nội, ngoại của họ cũng bị hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Theo số liệu điều tra năm 2005, Cà Mau có trên 17.000 nạn nhân bị phơi nhiễm, trong đó có trên 7.000 người dị dạng, dị tật bẩm sinh do di chứng từ chất độc hóa học/dioxin gây ra; số hộ nghèo 195 hộ, cận nghèo 198 hộ, khó khăn trên 722 hộ.

Để chỉ đạo thực hiện các nội dung của Chỉ thị 43, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1556-CV/TU ngày 22/6/2015 chỉ đạo các địa phương, các sở, ban, ngành liên quan quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần NNCĐDC; tổ chức giám định để đủ các điều kiện được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; giải quyết kịp thời đơn thư kiến nghị của công dân có liên quan đến chế độ, chính sách đối với NNCĐDC; xây dựng Nhà tình nghĩa, thăm và tặng quà nhân các ngày lễ, tết; tạo điều kiện để nạn nhân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi…

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 43, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhận thức sâu sắc và quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là việc xác nhận người có công và bảo trợ xã hội hàng năm đều tăng, không còn hồ sơ tồn đọng; cuộc sống của NNCĐDC ngày càng được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 5.828 NNCĐDC được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước (3.565 người hoạt động kháng chiến và 2.263 người là con đẻ của người hoạt động kháng chiến).

Vào cuối năm 2019, trong chuyến kiểm tra thực hiện Chỉ thị 43 tại tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, ông Nguyễn Văn Rinh đánh giá: “Chuyển biến trong thực hiện Chỉ thị 43 của tỉnh Cà Mau là nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học được nâng lên. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội với các cấp hội NNCĐDC/dioxin ngày càng thường xuyên, hiệu quả, góp phần động viên, khích lệ nạn nhân và gia đình họ vượt lên khó khăn… Song, sự hỗ trợ đối với NNCĐDC trên địa bàn tỉnh vẫn thấp so với tiềm năng; nguồn lực huy động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân còn hạn chế, chưa đa dạng; công tác chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân còn hạn chế…”.

Để khắc phục những mặt chưa làm được, cũng như nỗ lực xoa dịu nỗi đau da cam, ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, khẳng định: “Các cấp hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, sát cơ sở để tham mưu, đề xuất chủ trương, kế hoạch vận động nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân phù hợp với thực tiễn. Đồng thời đôn đốc việc đưa cơ sở xông hơi tẩy độc cho NNCĐDC, người khuyết tật (tại Bệnh viện Y học cổ truyền) đi vào hoạt động; đề xuất mở lớp đào tạo nghề cho nạn nhân, giúp họ ổn định sinh kế”.

Nhân lên lòng nhân ái và tình yêu thương

Củng cố, phát triển tổ chức hội vững mạnh, để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC là nhiệm vụ quan trọng, được tỉnh thực hiện xuyên suốt. Hội NNCĐDC/dioxin các cấp được thành lập và kiện toàn qua 4 nhiệm kỳ, đã phủ kín 9 huyện, thành phố và 101 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, còn hình thành 606 chi hội tại khóm, ấp để tiện sinh hoạt. Số hội viên tăng lên hàng năm, hiện tỉnh có trên 8.400 hội viên. Hội viên gồm nhiều thành phần trong xã hội, nhưng ở họ có cùng sự đồng cảm, trách nhiệm chăm lo NNCĐDC. Nhiều hội viên rất tâm huyết với các hoạt động của hội, tự lấy tiền riêng để lo cho việc chung, xem đó là nghĩa cử “đền ơn đáp nghĩa”.

Quỹ Hòa bình Mỹ Lai hỗ trợ Nhà tình nghĩa cho ông Tạ Văn Diễn, NNCĐDC ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình.

Công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC được cả xã hội quan tâm; xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả. Bằng nhiều chương trình, hình thức đa dạng, giai đoạn 2015 – 2020, các cấp hội đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, với trên 48,5 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí vận động, Tỉnh hội đã bố trí gần 17 tỷ đồng để xây mới 322 căn nhà, sửa chữa 4 căn nhà (80 triệu đồng), xây 16 cầu giao thông nông thôn (trên 1,82 tỷ đồng), khoan 15 giếng nước (gần 1,27 tỷ đồng), cùng với gần 50 ngàn suất quà, học bổng, thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, tặng xe lăn… trên 25,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, Tỉnh hội dành 1,66 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế cho NNCĐDC mượn vốn chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh… phù hợp với khả năng và điều kiện sức khỏe. Qua theo dõi, rà soát những hộ NNCĐDC được hỗ trợ vốn sản xuất, có trên 94% số hộ làm ăn hiệu quả, cải thiện tốt đời sống gia đình và hoàn được vốn. Từ đó, tạo điều kiện luân chuyển nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho các đối tượng khó khăn khác.

Số vốn từ 5 – 10 triệu đồng, đối với người bình thường không quá lớn, nhưng đã mang đến cuộc sống tươi đẹp đối với nhiều nạn nhân da cam. Như trường hợp anh Đặng Thanh Phong ở huyện Thới Bình, mượn vốn mua cây giống, cải tạo đất trồng màu, nuôi con học hành thành đạt; ở TP. Cà Mau, chị Trần Kim Oanh được hỗ trợ mua sắm dụng cụ cho tiệm làm nail; nhờ nguồn vốn, gia đình anh Trương Văn Leo (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau) mua được xuồng giăng lưới và làm bánh bán…

Cà Mau luôn nỗ lực sẻ chia, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần NNCĐDC.

Nhân lên lòng nhân ái và tình yêu thương, ông Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã đề nghị đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sớm tham mưu có chính sách với thế hệ thứ 3 của NNCĐDC (cháu người hoạt động kháng chiến bị chất độc da cam); thủ tục, hồ sơ để công nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học cần đơn giản hóa, theo tình hình thực tế hiện nay, vì khả năng đáp ứng hồ sơ, thủ tục của nạn nhân là không có hoặc không đủ hồ sơ để nạn nhân có thể thụ hưởng chính sách được kịp thời, vì thời gian không còn nhiều. Đồng thời, đề xuất Trung ương Hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tổng điều tra NNCĐDC trên cả nước, làm cơ sở cho việc nghiên cứu chính sách, hỗ trợ nạn nhân tốt hơn.

Cà Mau quyết tâm thực hiện tốt Chỉ thị 43 ở giai đoạn mới; đổi mới hoạt động để các cấp hội NNCĐDC/dioxin tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho NNCĐDC, là nơi kết nối nhịp cầu nhân ái, yêu thương và sẻ chia của cộng đồng xã hội đến các NNCĐDC. Đây chính là nguồn động viên lớn lao giúp nạn nhân da cam quên đi những mất mát, thiệt thòi, vượt lên khó khăn, chiến thắng số phận. Xin được mượn thông điệp thật nhân văn: “Đoàn kết, nghĩa tình, cùng xoa dịu nỗi đau da cam” thay cho lời kết loạt bài này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *