Chính quyền điện tử cần có công dân điện tử

Đã qua, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động chuyên môn, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian, chi phí thực hiện của tổ chức, cá nhân; thông tin kịp thời, đầy đủ về chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương.

Kết quả cho thấy, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh trong năm 2018 đã có những bước chuyển tích cực. Trong năm 2018, phần mềm một cửa điện tử của tỉnh được nâng cấp, đáp ứng các tính năng và được triển khai đến tất cả các xã, phường, thị trấn. Qua đó, hỗ trợ cho cơ quan nhà nước tiếp nhận xử lý hồ sơ trực tuyến, trực tiếp. Kết quả tiếp nhận, xử lý hơn 270.000 hồ sơ. Riêng tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh thực hiện tiếp nhận hơn 23.000 hồ sơ, xử lý trước hạn được gần 18.000 hồ sơ. Kết quả này giúp giảm được chi phí cho người dân, doanh nghiệp khoảng trên 28 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với cái nhìn tổng thể, kết quả mang lại từ mô hình chính quyền điện tử (CQĐT) vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Rào cản lớn nhất là người dân chưa thực sự hiểu và “mặn mà” với việc ứng dụng CNTT khi cần được giải quyết TTHC. Nói khác đi là “công dân điện tử” chưa chiếm số đông tại địa phương.

Thực tế đặt ta, việc tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện về chính quyền điện tử là điều cần thiết.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau, cho biết: “Hiệu quả của ứng dụng CNTT là giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tài chính. Trong năm 2018, ngành thực hiện chuyển các loại sổ nghiệp vụ từ giấy sang số hóa. Trên 60 đầu sổ nghiệp vụ được chuyển đổi, phục vụ rất thiết thực cho công tác quản lý và giảng dạy. Giáo viên đỡ mất thời gian, phụ huynh cập nhật được thông tin về con em mình nhanh chóng ngay tại nhà. Năm nay, ngành sẽ tiếp tục thực hiện chuyển toàn bộ giáo án truyền thống sang giáo án điện tử”.

Muốn phát triển dịch vụ công trực tuyến, đầu tiên công chức, viên chức phải đi đầu thực hiện, nhưng thực tế thì nhiều người còn chưa nắm rõ, chưa áp dụng và cứ thế làm theo kiểu truyền thống, khó tác động được đến người dân. Ông Luân kiến nghị cần có chương trình bồi dưỡng nhiều hơn để tạo ra “công dân điện tử” và việc hoàn thiện hạ tầng để người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến cần được quan tâm.

Đồng tình ý kiến trên, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ rõ: “Thời gian qua, để khuyến khích, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ngành chức năng đã cấp gần 800 tài khoản sử dụng dịch vụ cho cán bộ Đoàn, Mặt trận của tỉnh và huyện, nhưng không mấy người sử dụng. Cán bộ tuyên truyền không sử dụng thì ai sử dụng, rồi tuyên truyền cho ai?”.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Kiến trúc CQĐT tỉnh Cà Mau phiên bản 1.0, là cơ sở khoa học để đưa ra các quyết định đầu tư triển khai CQĐT kịp thời, chính xác, nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đảm bảo tính kết nối liên thông, tránh trùng lặp, lãng phí và đạt được mục tiêu xây dựng CQĐT tỉnh, là cơ sở cho việc triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT tại tỉnh thời gian tới.

Kiến trúc CQĐT tỉnh Cà Mau phiên bản 1.0 được thực hiện ở 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, năm 2018 với mục tiêu là xây dựng nền tảng CQĐT tỉnh. Giai đoạn 2 (2019 – 2020), đặt mục tiêu là xây dựng các dự án thành phần của kiến trúc CQĐT tỉnh. Giai đoạn 3, sau năm 2020, tiếp tục hoàn thiện CQĐT và hướng đến xây dựng tỉnh Cà Mau trở thành đô thị thông minh.

Đề án, kế hoạch, lộ trình… đã rõ, để những hoạch định đạt được kết quả như kỳ vọng, việc tuyên truyền để người dân hiểu về CQĐT là điều cần thiết và phải được thực hiện ngay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *