Chính quyền điện tử không thể thiếu “công dân điện tử”

* Cà Mau đang trong giai đoạn xây dựng một nền hành chính hoạt động trong môi trường điện tử. Được biết, để thực hiện mục tiêu này, địa phương đã triển khai nhiều chương trình hành động cùng với các giải pháp cụ thể. Ông có thể cho biết những điểm nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ này?

Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Đúng là tỉnh đang trong giai đoạn xây dựng một nền hành chính hoạt động trong môi trường điện tử hay nói cách khác là đang thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính. Một cách toàn diện thì tỉnh đã triển khai một kế hoạch tổng thể với nhiều nhiệm vụ, dự án cụ thể, nhưng nổi bật nhất, nhiều người biết và đang được tuyên truyền đến mọi người là Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống Một cửa điện tử. Đây là thành phần chính tiêu biểu cho CQĐT của tỉnh.

Đầu năm 2017 tỉnh khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) là một sự kiện lớn, với hình ảnh một cơ sở hành chính hiện đại và phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Chính hệ thống Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công mà tỉnh đã phối hợp Trung tâm Công nghệ phần mềm của Đại học Cần Thơ thí điểm xây dựng và triển khai, là nền tảng để Trung tâm Giải quyết TTHC vận hành, thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp.

Cổng dịch vụ công trực tuyến là hệ thống công bố tất cả các TTHC của tất cả các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã. Mọi người có thể tra cứu, tìm hiểu tất cả các thủ tục ở đó. Một số thủ tục có thể nộp hồ sơ trực tuyến ngay trên cổng này và mang hồ sơ gốc đến đối chiếu, nhận kết quả hoặc nhận kết quả tại nhà với dịch vụ bưu chính công ích.

Hệ thống Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử liên tục được tỉnh nâng cấp hoàn thiện theo yêu cầu sử dụng thực tế và quy định, hướng dẫn của Chính phủ. So với thời điểm mới đưa vào sử dụng, hệ thống này hiện đã hoạt động ổn định, tin cậy hơn. Các tính năng ngày càng thuận tiện, dễ dùng hơn. Đến nay, số hồ sơ nộp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công đã khá lớn. Theo báo cáo của Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã nhận 12.514 hồ sơ trực tuyến trên tổng số 60.141 hồ sơ. Hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công mức độ 4 lại chiếm tỷ lệ cao hơn so với mức độ 3.

Cần tìm giải pháp để xây dựng, hình thành “công dân điện tử”.

* Để CQĐT hoạt động một cách hiệu quả như kỳ vọng, một trong nhiều yếu tố quan trọng là phải hình thành được “công dân điện tử” – ông nghĩ sao về vấn đề này, cũng như những giải pháp để có được những công dân điện tử?

Ông Trần Quốc Chính: Liên tưởng đến công dân điện tử khi nói đến CQĐT là một điều tự nhiên của mọi người và ngay sau đó là nghĩ đến việc phải làm sao để có được công dân điện tử. Trong thực tế, điều tương tự là thương mại điện tử thì chẳng ai nghĩ mình là khách hàng điện tử khi tham gia một cách tự nhiên vào hoạt động thương mại điện tử (tức là không cần phải có giải pháp để có khách hàng thương mại điện tử). Tuy nhiên, vẫn có một điểm khác để băn khoăn về chính phủ điện tử và công dân điện tử.

Thương mại điện tử thì có rất nhiều nhà cung cấp trên môi trường điện tử và cũng có nhiều nhà cung cấp thất bại phải rời bỏ môi trường này. Người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn khi tham gia hoạt động thương mại điện tử nên họ sẽ chọn nhà cung cấp nào uy tín, giao dịch thủ tục dễ dàng.

Chính phủ điện tử thì hoàn toàn khác, công dân muốn giao dịch trực tuyến thì không có lựa chọn khác và buộc phải chấp nhận thủ tục giao dịch ít được cải tiến. Nếu thủ tục không quá rườm rà, được thông tin đầy đủ về giao dịch đang thực hiện thì công dân có thể lựa chọn giao dịch trực tuyến. Nếu không họ sẽ chọn giao dịch trực tiếp (đã khá thuận lợi so với trước đây).

Nhà cung cấp thương mại điện tử thất bại do có nhà cung cấp khác tiên tiến hơn thay thế. Chính phủ điện tử không được phép thất bại như nhà cung cấp thương mại điện tử, giải pháp là phải luôn tự nâng cấp, cải tiến hệ thống CQĐT để công dân ngày càng thuận tiện hơn trong giao dịch trực tuyến chứ không phải là đưa mọi người đến các buổi tập huấn công dân điện tử.

Gần đây Chính phủ đã có những quy định, tiêu chuẩn đối với hệ thống Chính phủ điện tử  để hệ thống này ngày càng hoàn thiện, hoạt động hiệu quả hơn mà không quy định về tiêu chuẩn cho công dân điện tử.

* Những giải pháp, bước đi cụ thể nào để tỉnh phát triển CQĐT một cách bền vững và hiệu quả trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Trần Quốc Chính: Qua thực tế triển khai của tỉnh thì các hệ thống của CQĐT chỉ hiệu quả khi đảm bảo được tính thống nhất, ổn định trong sử dụng. Cùng một công việc nhưng mỗi cơ quan sử dụng một phần mềm sẽ không hiệu quả khi tất cả các cơ quan chỉ sử dụng một phần mềm giống nhau. Việc vận hành, bảo trì sẽ đơn giản nếu chỉ cần một đơn vị chuyên trách đảm nhiệm. Việc kết nối, trao đổi dữ liệu sẽ thuận tiện, ít phức tạp. Việc nâng cấp sẽ thực hiện kỹ lưỡng, sát với yêu cầu hơn.

Việc sử dụng phần mềm chung ổn định trong một thời gian nhất định sẽ giúp mọi người thành thạo, dễ dàng trao đổi kinh nghiệm, khai thác hiệu quả các tính năng của hệ thống.

Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống ứng dụng như vậy ngoài vấn đề kinh phí, công nghệ, nhân lực kỹ thuật còn đòi hỏi sự tham gia của toàn thể bộ máy chính quyền trong việc chuẩn hóa các quy trình, TTHC và nỗ lực tích cực trong cải cách TTHC.

Vấn đề yếu kém về nhân lực kỹ thuật có thể giải quyết bằng nguồn lực bên ngoài của các đơn vị tư vấn và nhà cung cấp dịch vụ khác. Tuy nhiên, phần mềm sẽ không thể ra đời, phục vụ hiệu quả nếu không xác định đúng yêu cầu về chức năng, không có quy trình xử lý công việc hợp lý, TTHC phù hợp với môi trường điện tử. Việc thay đổi liên tục về yêu cầu quản lý, các quy định pháp luật mới ra đời làm thay đổi quy trình công việc, điều chỉnh, hủy bỏ hay ban hành thêm TTHC đòi hỏi việc vận hành, duy trì hệ thống phải kịp thời thực hiện. Đây là một công việc thường xuyên và cũng không nhỏ đối với Trung tâm Giải quyết TTHC.

Mặt khác, các yêu cầu về hoàn thiện tính năng, cải tiến công nghệ cũng thường xuyên được xem xét thực hiện và hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đều tổng hợp, lên kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở triển khai. Hệ thống CQĐT có thể có khởi đầu xây dựng và luôn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, mà không có lúc hoàn thành vì yêu cầu phát triển liên tục đặt ra, để đảm bảo nó hiệu quả hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *