Chịu khó – làm giàu

Anh Yên bón phân, chăm sóc ruộng lúa của gia đình, thành quả sau nhiều năm lao động vất vả.

Là người con của tỉnh Hưng Yên về đây lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, với tính siêng năng, cần cù và chịu khó, anh Yên đưa gia đình trở thành hộ khá giàu và có nhiều đóng góp cho địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng”, anh Nguyễn Phương Nam, Bí thư Chi bộ Ấp 7, nhận xét.

Năm 1991, anh Yên vào làm bảo vệ cho một công ty du lịch ở TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Một dịp về đây thăm hai người chú, thấy nơi đây đất rộng, người dân trồng rất nhiều mía, anh nghĩ chắc sẽ dễ tìm việc làm. Thế là, anh nghỉ việc ở TP. Đà Lạt về đây làm nghề đánh lá mía thuê. Tranh thủ thời gian rảnh, ai thuê gì thì anh nhận làm việc nấy để kiếm tiền gửi về quê nuôi vợ, con. Sau 1 năm, vợ con anh cũng chuyển vào Nam. Anh Yên nhớ lại: “Lúc mới vào đây, cuộc sống vất vả lắm, không đất sản xuất, hai vợ chồng đi đánh lá mía thuê, thu nhập chỉ khoảng 20 ngàn đồng/ngày”.

Thấy hai vợ chồng anh Yên quá khó khăn, nhưng lại chăm chỉ làm ăn, người chú cho vợ chồng anh mượn 10 lượng vàng để mua 1ha đất trồng lúa và mía. Sau 4 năm chăm chỉ lao động sản xuất, anh Yên trả hết nợ. Khi tỉnh có chủ trương chuyển dịch một vụ lúa trên đất nuôi tôm, anh mạnh dạn thực hiện mô hình. Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại ở bước khởi đầu, gia đình anh Yên trở thành một trong những hộ sản xuất lúa, tôm sú, tôm càng xanh có hiệu quả cao trong xã. Ngoài ra, anh còn tận dụng đất trống trồng cây ăn trái, rau màu, nấm rơm, nuôi cá… góp phần tăng thu nhập.

Anh Yên tận dụng đất trồng màu, vừa phục vụ bữa ăn gia đình vừa góp phần tạo diện mạo đẹp cho bộ mặt nông thôn xã nhà.

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, người người thi đua, nhà nhà thi đua tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế do chính quyền địa phương phát động, gia đình anh Yên đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tìm tòi học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học vào trong sản xuất. Anh tích lũy kiến thức học được từ các buổi tập huấn do Hội Nông dân xã, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh tổ chức và tìm hiểu trên báo, đài, áp dụng vào thực tế. Nhờ đó, mô hình sản xuất của gia đình anh đem lại hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây thu nhập bình quân từ 500 – 600 triệu đồng/năm. Có tích lũy, gia đình anh mua thêm đất, đến nay được 6,5ha và cất được ngôi nhà khang trang.

Anh Trần Văn Hận, cán bộ kỹ thuật ở xã Trí Lực, cho biết: “Anh Yên là một nông dân cần cù, chịu khó, ham học hỏi; vì thế chúng tôi thường ưu tiên chọn phần đất của gia đình anh để thực hiện mô hình điểm, sau đó nhân rộng trong dân. Thực tế thời gian qua, gia đình anh đã áp dụng thành công nhiều mô hình: Nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp trồng lúa; lúa – tôm càng xanh; trồng nấm rơm… Gia đình anh cũng nằm trong danh sách trên 200 hộ dân được chọn thực hiện cánh đồng lớn lúa – tôm trong năm nay”.

Không chỉ là hội viên nông dân tiên phong trong sản xuất, trong vai trò người chồng, anh Yên luôn thông cảm, chia sẻ mọi công việc để vợ an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Ấp 7.

Với sự cố gắng vươn lên, từ năm 2010 đến nay, gia đình anh Yên là một trong số những hộ nông dân tiêu biểu được các cấp khen thưởng. Năm 2013, anh được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được biểu dương tại Hội nghị điển hình tiên tiến cấp huyện, tỉnh trong năm nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *