Chơi hụi – “của để dành” hay “tiền mất tật mang”? Bài cuối: Khó trong khâu quản lý

Trước khi bắt đầu dây hụi, cần có chứng từ rõ ràng, đừng để đến khi vỡ lẽ mới nhờ ngành chức năng can thiệp, khi đó thì đã quá muộn.

Đưa ra luật chơi riêng

Tham gia chơi hụi vì tin tưởng nhau và mong muốn tăng thêm thu nhập cho gia đình, nhưng không ít người đã trở thành nạn nhân của các vụ “giật hụi” hay thậm chí là lừa đảo. Đa phần, sau những vụ vỡ hụi, các cơ quan chức năng cũng vào cuộc theo báo án của người dân, tuy nhiên, trên thực tế, để giải quyết vấn đề, khắc phục hậu quả là điều vô cùng khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Quách Phẩm Bắc (huyện Đầm Dơi), bà Mai Yến Chinh cho biết: “Cũng có nghe nói trên địa bàn xã có nhiều người mở hụi rồi làm chủ, nhưng thực tế rất ít hộ đến đây để chính quyền địa phương chứng nhận nên rất khó quản lý. Mỗi năm số hộ mở hụi có đến xã công chứng chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Vì chủ yếu chơi hụi là tự phát. Những thành viên tham gia tự nguyện góp vốn và tự đặt ra “luật chơi riêng” cho nhóm hụi của mình, vì thế ngành chức năng rất khó can thiệp. Và nếu đã là cuộc chơi riêng, với những quy định riêng thì đến khi có vấn đề mâu thuẫn, xung đột, hay tranh chấp, cũng không có giấy tờ pháp lý nào, khiến cho việc điều tra, giải quyết của các cơ quan chức năng thêm phần khó khăn. Bên cạnh đó, các nạn nhân của vụ tranh chấp hụi cũng dễ dàng rơi vào tình thế vi phạm pháp luật nếu có hành động xâm hại hoặc lấy tài sản của người khác, siết nợ theo kiểu vớt vát được bao nhiêu hay mấy nhiêu.

Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đầm Dơi, ông Liêu Chí Khanh cho biết: “Đa phần chủ hụi và hụi viên giao dịch với nhau bằng miệng, nên khi xảy ra vỡ hụi thì lại không có giấy tờ, biên lai chứng minh việc chủ hụi chiếm đoạt tiền của “hụi viên”. Bên cạnh đó, để khởi tố điều tra chủ hụi về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự thì phải chứng minh được chủ hụi có dấu hiệu lừa dối ngay từ đầu để chiếm đoạt tài sản của hụi viên. Nhưng trên thực tế, ít có cơ sở xác định ngay từ đầu chủ hụi đã có dấu hiệu gian dối. Vì thế, hầu hết các vụ vỡ hụi, hụi viên chỉ có thể khởi kiện án dân sự và điều bất lợi cho hụi viên là nếu không có giấy tờ chứng minh thì cũng khó đòi lại được tiền”.

Chính vì thiếu các giấy tờ pháp lý khiến cho việc điều tra, giải quyết các vụ án tranh chấp hụi rất khó khăn. Tuy nhiên thực tế, số vụ án về tranh chấp hụi lại càng ngày càng gia tăng. Trên địa bàn huyện Đầm Dơi, số vụ tranh chấp về hụi tăng dần theo từng năm, nếu năm 2019 có 116 vụ thì năm 2020, từ đầu năm đến nay, đã có 160 vụ. Con số này phần nào báo động về tình trạng vỡ hụi tràn lan, có nhiều biến tướng. Ông Liêu Chí Khanh cho biết thêm: “Ban đầu các vụ tranh chấp về hụi chỉ với số tiền nhỏ, mỗi chân hụi chỉ từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng thì số tiền “giật hụi” cũng ít; nhưng hiện nay có chân hụi lên đến 10 triệu đồng, tổng số tiền lên đến vài tỷ đồng, tính chất phức tạp hơn rất nhiều”.

Những vụ án tranh chấp hụi ngày càng nhiều khiến tâm lý của người dân khi tham gia chơi hụi có nhiều lo ngại, ảnh hưởng đến mục đích ban đầu của hình thức chơi hụi tương trợ của người dân khi tham gia.

Các cấp hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, để người dân nắm được những quy định của pháp luật, tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Hãy là “người chơi thông minh”

Bản chất của chơi hụi là phương thức tương trợ có tính truyền thống, mang tính tích cực, thu hút được nhiều đối tượng tham gia, nhất là các hộ thiếu vốn làm ăn, những hộ còn khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, vấn đề nằm ở khâu quản lý, kiểm tra, giám sát, phát hiện để ngăn chặn những phát sinh tiêu cực. Đó là “chốt chặn” bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia chơi hụi chân chính, đúng luật, tránh bị thiệt hại về sau.

Từ sau khi có Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường, ít nhiều đã “khống chế” được tình trạng “luồn lách” trong chơi hụi khi Nghị định quy định mức trần lãi suất không vượt quá 20%/năm trong các dây hụi, quyền và nghĩa vụ của các thành viên là chủ hụi và hụi viên cũng dần rõ nét. Việc giao dịch thông qua thỏa thuận trên cơ sở biên nhận, giấy tờ có đủ chi tiết ngày, tháng, năm sinh, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, nơi cư trú… để đảm bảo cơ sở cho các tranh chấp về sau. Trường hợp đến kỳ mở hụi mà chủ hụi không giao hoặc giao không đầy đủ các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi, thành viên chưa lĩnh không góp phần hụi hoặc góp phần hụi không đầy đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm góp hoặc chậm giao phần hụi được xác định theo thỏa thuận của các bên, nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định này của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả, nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định này của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận từ những dây hụi “kêu” cao đã làm cho hụi viên phần nào “ngó lơ” các quy định và tình cờ “quên” đi quyền lợi của mình, cho đến khi mọi chuyện vỡ lỡ thì mới cầu cứu ngành chức năng.

“Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi vỡ hụi xảy ra, những người chơi hụi nên lập sổ tay ghi chép việc chơi hụi, giấy tờ có chữ ký hai bên. Khi giao dịch tiền thì nên ghi âm, chụp hình để làm bằng chứng…”, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, bà Bùi Thị Phương Loan khuyến cáo.

Trước khi chờ ngành chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình thì hơn ai hết, những người tham gia chơi hụi hãy là những người chơi thông minh, biết tự bảo vệ quyền lợi của mình trước khi chờ người khác bảo vệ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *