Chơi hụi – “của để dành” hay “tiền mất tật mang”?

Kỳ 1: Mất tiền – mất tình – mất niềm tin

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều vụ vỡ hụi. Đa phần khi mới bắt đầu chơi, hụi viên chỉ chơi dựa vào lòng tin, đến khi mọi chuyện vỡ lỡ thì chính họ lại là người chịu thiệt thòi.

Đa phần người dân xem việc chơi hụi là hình thức để dành, chơi với nhau bằng lòng tin, không cần giấy tờ xác minh, nhưng khi mọi chuyện vỡ lỡ thì không bám víu vào đâu được.

“Hồi đó giờ chơi hụi theo lòng tin, chủ hụi ghi sao mình nghe nấy, có khi một người chơi nhiều chân mình cũng khó biết. Có những người “bõ hụi” rất cao để được hốt, mình không dám vậy, vì “bõ hụi” cao quá hốt không có lời, nhưng chỉ sau vài tháng thì người đó bỏ đi mất tăm. Chủ hụi vì thế mà lấp không nổi, phải tuyên bố bể hụi. Rồi những tay em như chúng tôi dù có siết thì chủ hụi cũng không có tiền hoàn lại, gần như mất trắng…”, chị Trần Bé Huyền, ấp Xóm Rẫy, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, chia sẻ.

Trường hợp của chị Huyền không phải là duy nhất. Hằng ngày đưa con đến trường, chị Ng. Th. Th. D, ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, có quen biết với cô giáo Huỳnh Thúy Diễm, dạy Trường mầm non Hoa Mai, xã Trần Thới. Nên khi cô Thúy Diễm ngỏ lời mời chị Th. D chơi hụi, chị đồng ý ngay. Dây hụi duy trì được một thời gian thì đến trước Tết Nguyên đán 2020, cô giáo Diễm thông báo bể hụi và số tiền gần 150 triệu đồng của chị Th. D cũng đi theo cô giáo.

Chị Th. D cho biết: “Cô Diễm lúc bể nợ có viết giấy tay và hứa hẹn mỗi tháng sẽ trả cho tôi 1 triệu đồng nhưng đến nay vẫn không thực hiện. Nhiều người chơi hụi chung tìm hiểu biết được cô Diễm mở nhiều chân hụi “ma”, tự hốt lấy tiền tiêu xài cá nhân. Nhiều hộ khi biết cô Diễm sắp bể nợ, đã tìm mọi cách để hốt nhưng không được. Số tiền cô Diễm bể hụi tính cả hụi ngày, hụi tháng, hụi tuần lên đến hàng tỷ đồng. Hiện nhiều người dân đang làm đơn tố cáo lên ngành chức năng nhờ can thiệp giải quyết”.

Việc chơi hụi dựa vào lòng tin và lòng tin cũng sẽ được tăng lên theo thời gian tham gia chơi hụi, chơi càng lâu, sự tin tưởng càng cao. Trường hợp của chị Ng. Th. Nh, ấp Xóm Rẫy, xã Quách Phẩm Bắc và hụi viên Ng. Ph. Ng cũng vậy. Chị Ng tham gia chơi hụi của chị Nh đã được 5 năm, sau thời gian đóng đều, đầy đủ, chị Nh càng tin tưởng và để chị Ng tham gia nhiều chân hơn. Hốt chân này lại vào thêm 1 chân khác, cứ theo kiểu gối đầu như vậy mà có lúc chị Ng tham chơi cùng lúc đến 62 chân hụi. Cũng chính vì tham gia quá nhiều nên dần về sau, chị hốt nhiều, số tiền hụi “chết” lên cao và chị Ng không còn đóng nổi. Vì muốn giữ uy tín đã tạo dựng bao năm qua với các hụi viên khác, chị Nh phải liên tục đóng lấp hụi cho chị Ng với số tiền lên đến trên 700 triệu đồng. Vậy là chỉ vì lòng tin vô căn cứ, chị Nh đã phải bán 2 mảnh đất để có tiền xoay sở, trả cho các hụi viên.

Không chỉ lợi dụng lòng tin của chủ hụi để chơi 62 chân hụi, chị Ng còn dựa vào uy tín của mình để nhờ một hụi viên khác chơi giúp thêm 13 chân hụi. Là hàng xóm, láng giềng, cũng như thấy chị Ng khá uy tín trong việc đóng hụi, anh Tr. V. Ng. nhận đứng ra chơi giúp 13 chân hụi, mỗi chân khoảng 500 ngàn đồng đến – 1 triệu đồng. Vậy là sau bao tin tưởng, năm 2016, chị Ng bỏ trốn, để lại khoản nợ gần 300 triệu đồng cho vợ chồng anh Ng. Chỉ vì tin lời chị Ng mà anh Ng phải cầm cố 10 công đất, đi làm ăn xa để trả nợ.

Cũng vì tin tưởng nên chị P.H.Th ở thị trấn Trần Văn Thời cũng phải nộp đơn ra tòa kiện để đòi lại tiền. Là chủ hụi nhiều năm và cũng có quen biết thân thiết với anh B (ngụ cùng thị trấn), nên khi mở 6 dây hụi 10 triệu đồng/tháng, chị Th đã cho anh B tham gia 13 chân. Việc này đồng nghĩa với anh B Phải đóng cho chị Th gần 100 triệu đồng/tháng. Chị Th cho biết: “Tôi mở hụi cũng hơn 10 năm rồi, B là chỗ quen biết lâu năm, còn là chỗ làm ăn chung nên khi B muốn tham gia thì tôi cũng không nghi ngờ gì. Khi B tuyên bố không đóng nổi nữa, tôi mới choáng váng. Để lấp cho những chân hụi mà B đã tham gia, tôi phải bán đi miếng đất với số tiền trên 1 tỷ 700 triệu đồng”.

Lợi dụng lòng tin, nhiều tay em hoặc chủ hụi chọn cách “bốc hơi” để lại biết bao bức xúc cho người còn lại. Trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng bể hụi xảy ra liên tục, có những vụ số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Sau khi kết thúc vụ kiện, dù là bên thắng hay bên thua, thì những điều mất đi không chỉ là tiền mà còn là lòng tin.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau, số vụ tranh chấp về hụi tăng lên hàng năm. Năm 2018 có 282 vụ; năm 2019 có 606 vụ và đến tháng 10/2020 có tới 858 vụ. Đây là những vụ được ngành chức năng can thiệp, còn con số thực tế có lẽ còn lớn hơn, bởi đa phần người dân với tâm lý ngại kiện tụng phiền phức nên đành nhắm mắt bỏ qua.

Những vụ án liên quan đến hụi luôn làm đau đầu các ngành chức năng. Hiện nay, đã có nhiều quy định về việc tham gia chơi hụi, số người dân chấp hành các quy định cũng ngày càng tăng lên nên việc giải quyết các vụ án cũng có phần bớt khó. Tuy nhiên, sau khi kết thúc vụ kiện, dù là bên thắng hay bên thua, thì những điều người trong cuộc mất không chỉ là tiền mà còn là lòng tin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *