“Chống dịch như chống giặc”

Kiên quyết đẩy lùi bệnh dịch

Đến ngày 21/6, Cà Mau xuất hiện 11 ổ dịch tại 11 xã và thị trấn trên địa bàn 6 huyện. Tổng số heo đã tiêu hủy hơn 280 con, trọng lượng trên 15.000kg. Các huyện: Cái Nước, U Minh và TP. Cà Mau chưa xảy ra dịch. 

Để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát, tỉnh thực hiện giải pháp giảm quy mô đàn heo thịt trong nông hộ, nhằm khống chế dịch bệnh nhanh chóng. Phương án này dự tính thực hiện trong 100 ngày đêm, chi phí trên 11,35 tỷ đồng, ước giảm chi cho ngân sách tỉnh trên 119 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng, đây là giải pháp mạnh, cần khẩn trương hoàn thiện, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, mới đẩy lùi được dịch bệnh và giảm tổn thất cho ngành chăn nuôi, cho ngân sách tỉnh. 

Trên cơ sở đó, Sở Công thương phối hợp các địa phương vận động thương lái thu mua heo trong tỉnh để giết mổ, tiêu thụ (có mức hỗ trợ phù hợp), hạn chế tối đa heo nhập tỉnh. Trên địa bàn có 105 thương lái, có 87 thương lái cam kết không thu mua heo ngoài tỉnh, tuy nhiên lượng heo nhập tỉnh còn lớn. Trong khi chờ ngành Công thương tiếp tục vận động, cần quản lý, giám sát chặt chẽ hơn, nếu không sẽ gặp khó khi thực hiện phương án giảm đàn. “Trước mắt phải xem xét chính sách hỗ trợ các đối tượng thu mua phù hợp, để họ “mặn mà” hơn trong công tác phối hợp”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu. 

Tuyên truyền ổn định tâm lý người dân, để ủng hộ, sử dụng thịt heo, không quay lưng với sản phẩm từ thịt heo.
Về phương án bảo vệ và tái đàn heo nái, toàn tỉnh có trên 8.200 heo nái, tập trung nhiều ở huyện U Minh, đồng thời địa phương này chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi, nên tỉnh chọn bảo vệ trọng tâm đàn nái 680 con của huyện, các huyện còn lại khuyến khích tự bảo vệ; đồng thời nhập thêm heo nái và heo đực giống hậu bị để làm hạt nhân, tái đàn. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải lưu ý, không tái đàn khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, khu vực, chỉ thực hiện khi tỉnh có chủ trương.

Chủ tịch UBND tỉnh băn khoăn, nếu thực hiện giảm tổng đàn, thì khoảng 3 – 4 tháng sẽ hết heo trên địa bàn, lúc này gần Tết Nguyên đán, việc tiêu thụ thịt heo tăng mạnh, như vậy có đáp ứng nhu cầu của người dân? Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường chăn nuôi các loại con khác để có nguồn thịt thay thế, liệu có đủ, có kịp? Theo thống kê 6 tháng đầu năm, đàn gia cầm ước có 2,7 triệu con, tăng 39% so với năm trước. Cùng với đó, diện tích nuôi thủy sản 300.000ha, cung cấp nguồn cua, cá dồi dào, có thể thay thế cho thịt heo trong thời gian tới.

Dồn sức phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải giao việc sắp xếp, bố trí lại trạm, chốt ở các địa phương cho lãnh đạo huyện, thành phố thực hiện, song phải báo cáo cụ thể với tỉnh. Tăng cường kiểm soát heo nhập tỉnh, cần kiên quyết hơn đối với trường hợp làm giả giấy tờ, giấy phép niêm yết sử dụng nhiều lần. Sở Tài chính tham mưu việc hỗ trợ người chăn nuôi là đối tượng doanh nghiệp trên tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ, để tỉnh công bố công khai. Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các ngành liên quan sớm hoàn thiện các phương án trên, để UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, tiến tới phê duyệt thực hiện khẩn trương.

Đừng quay lưng với thịt heo

Trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi tiếp tục lây lan nhanh trên địa bàn, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi mà còn khiến tâm lý người tiêu dùng hoang mang và bất an trong việc chọn mua thịt heo, các sản phẩm chế biến từ thịt heo.

Đã gần tháng nay, thực đơn trong các bữa ăn của nhà chị Nguyễn Thị Lan ở Phường 5, ít có các sản phẩm thịt heo, một trong những thực phẩm sử dụng thường ngày trước kia. Chị Lan cho biết, mặc dù chưa hiểu hết về tính nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi nhưng khi nghe tin có dịch cũng thấy sợ. Nhà có con nhỏ nên tạm thời chuyển sang các thực phẩm khác cho an toàn. Có lẽ đó cũng là tâm lý chung của không ít các bà nội trợ trước “cơn bão” dịch tả heo châu Phi đang “càn quét”.

Tại chợ Phường 7, TP. Cà Mau một số quầy thịt heo bỏ trống, hoặc bán giảm số lượng, vắng khách.

Dạo quanh các chợ trên địa bàn TP. Cà Mau, một số quầy thịt bỏ trống, hoặc bán giảm số lượng. Chị Ngọc, tiểu thương chợ Phường 7, cho biết: “Sau khi Cà Mau xuất hiện dịch tả heo châu Phi, thịt bán ra đã giảm rất nhiều so với trước, thịt phân phối cho các quán ăn cũng ít đi. Trước kia mỗi ngày tôi bán 3 con heo, thì nay chỉ bán được hơn 1 con. Thực tế, khi thịt heo mang ra chợ bán đều phải đóng dấu kiểm dịch của thú y, đảm bảo nguồn thịt chất lượng và an toàn. Thế nhưng, do người tiêu dùng chưa hiểu tính chất dịch bệnh, nên không dám sử dụng thịt heo, khiến tiểu thương gặp nhiều khó khăn”.

Bên cạnh đó, sức mua tại các điểm bán thịt heo tự phát và chợ dân sinh giảm rõ rệt, người tiêu dùng có tâm lý vào siêu thị, cửa hàng uy tín để mua. Còn đối với địa bàn nông thôn, những chợ “lưu động” bằng xe máy, vỏ lãi, mặt hàng thịt heo bị kiểm soát nghiêm ngặt, nhiều xã không cho bán trên địa bàn do khó kiểm soát được nguồn gốc. Vừa có tâm lý e ngại dịch bệnh, lại xa chợ nên nhiều gia đình chọn thức ăn khác thay thế thịt heo.

Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết: “Trước đây, 1 ngày huyện tiêu thụ 2 tấn thịt heo, giờ chỉ bằng 1/3. Qua khảo sát, nhiều người dân không sử dụng thịt heo, nhiều hàng quán cũng không bán thức ăn có sử dụng thịt heo”.  

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, lượng heo tiêu thụ từ 400 – 500 con/ngày, giảm mạnh so với khi chưa có dịch. Nhìn chung, thịt lợn bán trong các siêu thị, các cửa hàng thịt sạch tăng lên khoảng 20%, lượng thịt lợn bán lẻ tại quầy, sạp các chợ giảm.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý bên cạnh công tác phòng, chống dịch một cách khẩn trương, tích cực, thì việc ổn định tâm lý của người dân và tuyên truyền để người dân hiểu rõ tính chất lây truyền của dịch tả heo châu Phi, đặc biệt là bệnh không lây cho người; để ủng hộ, sử dụng thịt heo, không quay lưng với sản phẩm từ thịt heo, là vấn đề cấp bách đang được đặt ra.

Tới đây, Cà Mau thực hiện phương án giảm tổng đàn như nêu trên, các thương lái được hỗ trợ, cam kết chỉ thu mua, giết mổ heo trong tỉnh, đã qua kiểm dịch, kiểm soát từ chuồng trại đến nơi bán. Vì vậy người tiêu dùng hãy an tâm sử dụng thịt heo, góp phần giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, bình ổn thị trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *