“Chông gai” đường tái hòa nhập công đồng Bài 2: Gian nan “đường về”

Nếu trước kia đối tượng sử dụng ma túy chỉ tập trung ở những nơi đông dân cư, có đời sống khá giả thì hiện nay tệ nạn ma túy đã len lỏi, xâm nhập về những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đối tượng mua bán ma túy ngày càng trẻ hóa về độ tuổi, nhất là trong thanh thiếu niên. Vấn đề đặt ra là vai trò của ngành, đoàn thể về công tác tuyên truyền, giáo dục…

Phối hợp “lỏng lẻo”

Thực tế hiện nay, tệ nạn ma túy đã len lỏi vào đời sống của người dân ở vùng sâu. Một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên vướng vào “cái chết trắng”; đa phần bỏ học, đua đòi, ham chơi, lêu lổng, bị dụ dỗ vào con đường lầm lỡ. Cái giá phải trả là phải vào cơ sở cai nghiện, nếu tàng trữ chất ma túy thì phải đối mặt với những tháng năm tù tội.

Đấu tranh phòng, chống ma túy là cả một quá trình khó khăn, phức tạp. Trên thực tế, công tác điều trị tại cơ sở cai nghiện vốn dĩ đã không dễ dàng, nhưng sau cai nghiện, con đường về với xã hội lại còn khó khăn hơn khi các đối tượng phải đối mặt với sự kỳ thị trong cộng đồng. Ông Phạm Hoàng Sa cho biết: “Theo số liệu thống kê, tại cơ sở, tỷ lệ học viên quay lại lần hai chiếm trên 50%. Tỷ lệ tái nghiện là một thực trạng nhức nhối của xã hội”.

Đoạn tuyệt với “cái chết trắng” là mong mỏi của những người trót lầm lỡ, mặc dù việc chiến thắng sự cám dỗ của ma túy không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có bản lĩnh và ý chí thực sự cao. Tuy vậy, thật trớ trêu khi những người “một lần nhúng chàm” này muốn làm lại cuộc đời, thì xã hội gần như quay lưng với họ, bởi những định kiến, kỳ thị khó tránh khỏi.

Trong “hoàn cảnh” này, thì chính công tác tuyên truyền, vận động, hướng nghiệp và hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kinh tế của địa phương là một trong những yếu tố quyết định để người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng và không tái nghiện. Song, hiện nay công tác này còn đang bị bỏ ngỏ. Người nghiện sau khi dùng thuốc điều trị, được tư vấn tại cơ sở thì hầu như không còn được hỗ trợ gì thêm tại địa phương, nên không duy trì được kết quả cai nghiện.

Thực tế, con đường về với “nẻo sáng” của các đối tượng sau cai nghiện thiếu bạn đồng hành. Hiện chỉ có Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, thuộc Công an huyện song hành, nhưng hầu hết các đội cũng chưa thực thi hết chức năng. Nguyên nhân là do lực lượng mỏng, thiếu tính phối hợp, nên sau khi nhận các đối tượng về địa phương còn “bỏ mặc” cho các đối tượng “tự bơi”.

Ghi nhận tại một số địa phương về công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng, hầu hết các địa phương lúng túng khi được hỏi về số lượng quản lý cũng như tạo việc làm cho các đối tượng.

Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Tân), chính quyền địa phương cho biết hiện đang quản lý 119 đối tượng trên địa bàn. Đảng ủy, UBND xã phân công cho mỗi đoàn thể quản lý từ 2 – 3 đối tượng, qua đó hỗ trợ việc làm cho 11 đối tượng tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề muốn gặp gỡ 1 đối tượng và 1 doanh nghiệp để nắm thêm thông tin, người phát ngôn của địa phương vẫn không thể chỉ ra được “địa chỉ” cụ thể nào.

Công an cơ sở thường xuyên xuống địa bàn tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân mở rộng vòng tay đón nhận các đối tượng lầm lỡ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

Công an địa phương “nặng gánh”

Một thực tế là sau khi cai nghiện, các đối tượng được giao về cho chính quyền địa phương giáo dục, giúp đỡ. Thế nhưng, việc tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng này chưa có địa phương nào thực hiện; cũng chưa có địa phương nào tổ chức được các đội công tác xã hội tình nguyện ở các xã, phường. Đây là khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy hiện nay.

Đối tượng nghiện ma túy ngày càng tăng về số lượng và trẻ hóa về độ tuổi. Đây là độ tuổi dễ bị kích động và “làm liều” nên việc quản lý, giáo dục gặp rất nhiều khó khăn.

Công an tại các xã, phường là nơi tiếp nhận, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt trở về tái hòa nhập cộng đồng, bao gồm hoạt động hỗ trợ tâm lý, pháp lý và quản lý, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật, hỗ trợ giải quyết việc làm. Đồng thời là nơi kiểm nghiệm, đánh giá kết quả học tập, lao động, rèn luyện của người chấp hành xong án hoặc sau cai nghiện về lại địa phương. Do vậy, vị trí của lực lượng công an sở tại hết sức quan trọng, không thể thiếu trong tổ chức tái hòa nhập cộng đồng; có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Tuy nhiên, dù lực lượng mỏng, địa bàn rộng, công an các xã đã làm hết chức năng, nhưng kết quả không được như mong đợi.

Xã Tân Trung (huyện Đầm Dơi) đang quản lý 40 đối tượng có tiền án, tiền sự, có 9 đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý. Phó Trưởng Công an xã, ông Nguyễn Tấn Tài cho biết: “Hiện có 25 đối tượng đang sinh sống trên địa bàn, số còn lại đã ra khỏi địa phương. Chỉ có 1 đối tượng sau cai nghiện có việc làm ổn định và từ bỏ ma túy thành công, còn lại các đối tượng khác vẫn chưa có việc làm ổn định”.

Ở xã Phú Thuận (huyện Phú Tân), 44 đối tượng đang được quản lý và sinh sống trên địa bàn vẫn chưa người nào có việc làm. Trưởng Công an xã, Thiếu tá Đỗ Trường Khánh: “Hầu hết những đối tượng này còn trong vòng quản lý nghiêm ngặt, dù chưa có biểu hiện tái nghiện. Công an xã chỉ đạo các tổ tự quản phải quản lý chặt các đối tượng này, thường xuyên thăm hỏi, động viên để các đối tượng không bị lầm đường thêm lần nữa”.

Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai nghiện là vấn đề bức bách hiện nay. Không có việc làm, nhàn rỗi, đâu đâu cũng có ánh nhìn hoài nghi cùng với sự mặc cảm tự ti, sẽ khiến cho các đối tượng dễ quay về “đường cũ”. Điều này được thấy qua con số tái nghiện cao như thực tế đã qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *