“Chông gai” đường tái hòa nhập cộng đồng Kỳ cuối: Phối hợp chặt – quản lý nghiêm

Bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh.

* Bà có thể cho biết công tác tuyên truyền giáo dục đối với các đối tượng sau cai nghiện được thực hiện tại các địa phương như thế nào?

Bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Từ đầu năm đến nay, cơ sở cai nghiện ma túy đã thực hiện tái hòa nhập cộng đồng cho 179 học viên, hiện đang quản lý 559 học viên. Đối với công tác tuyên truyền, giáo dục các đối tượng sau cai nghiện đến các địa phương được Sở LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm.

Thực hiện Nghị định số 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy, đã qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương các cấp để thực hiện công tác này. Đồng thời chỉ đạo cơ sở cai nghiện ma túy tăng cường công tác đào tạo nghề cho học viên đang cai nghiện tại cơ sở; thực hiện tốt các quy định về quản lý sau cai nghiện cho các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau về đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, hàng năm, Sở ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện; kế hoạch kiểm tra các hoạt động của đội công tác tình nguyện; kiểm tra, giám sát các hoạt động của “Điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị và tái hòa nhập cộng đồng” tại Phường 4 (TP. Cà Mau). Phối hợp với phòng LĐ-TB&XH các huyện, TP. Cà Mau tổ chức tập huấn với nội dung tuyên truyền kiến thức về phòng, chống tệ nạn xã hội và một số kiến thức, kỹ năng về hoạt động xã hội tình nguyện cho các cán bộ ban, ngành, đoàn thể cấp xã, cán bộ chủ chốt khóm, ấp và người dân. Ngoài ra, còn phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của trường, lớp để tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên; phối hợp với báo, đài xây dựng nội dung tuyên truyền chuyên đề phòng chống tệ nạn xã hội.

Cà Mau chú trọng công tác đào tạo nghề tại cơ sở cai nghiện, tạo điều kiện cho các đối tượng có việc làm ổn định khi trở về địa phương.

* Trong quá trình triển khai thực hiện, có gặp vướng mắc cũng như khó khăn gì không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Tư: Công tác quản lý đối tượng sau cai nghiện cũng gặp nhiều khó khăn, do đối tượng không thường xuyên ở nơi cư trú, một số trường hợp tự ý bỏ đi nơi khác hoặc đi làm ăn xa nhưng không khai báo với chính quyền địa phương. Mặt khác, đa số người sau cai nghiện không có việc làm, hoặc có việc làm không ổn định, nên rất dễ dẫn đến tái nghiện trở lại. Bên cạnh đó, vai trò và trách nhiệm của gia đình chưa được nâng cao, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ. Ngoài ra, đối với đội ngũ cán bộ của đội công tác xã hội tình nguyện của các xã, phường, thị trấn là cán bộ kiêm nhiệm, vì vậy công tác quản lý, giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng gặp nhiều hạn chế và không kịp thời.

Đối với bản thân người sau cai nghiện ma túy khi về tái hòa nhập cộng đồng, vẫn còn mang tâm lý tự ti, mặc cảm, từ đó có nhiều suy nghĩ tiêu cực: Chán nản, buồn tủi… rất dễ dẫn đến tình trạng tái nghiện. Việc sử dụng ma túy ảnh hưởng rất lớn sức khỏe của người sử dụng, hiện nay xuất hiện nhiều loại ma túy mới, khiến người sử dụng mất dần ý chí, gây ảo giác, hoang tưởng, thậm chí có những hành vi sát hại chính những người thân ruột thịt trong gia đình. Do đó, các doanh nghiệp và người dân luôn có tâm lý dè chừng, nghi ngờ, rất khó mở lòng đón nhận và giúp đỡ các đối tượng này.

* Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH có những kế hoạch gì hỗ trợ cho các đối tượng này, giúp họ được tái hòa nhập với cộng đồng một cách bền vững?

Bà Nguyễn Thu Tư: Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác quản lý sau cai nghiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể các cấp.

Sở LĐ-TB&XH có những kế hoạch cụ thể sau: Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện các chức năng nhiệm vụ, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho học viên tại cơ sở; tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện hàng tuần cho học viên nhằm khích lệ, động viên tinh thần cho học viên, giúp họ có động lực để cai nghiện thành công và tin tưởng vào cuộc sống, tự tin hơn, xóa bỏ những mặc cảm trong quá khứ, làm lại cuộc đời.

Thứ hai, phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan, tiến hành rà soát kết quả thực hiện công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh, để có những giải pháp kịp thời trong thời gian tới.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau về đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn với nội dung tuyên truyền kiến thức phòng, chống ma túy về các vùng nông thôn có vị trí địa lý, cách xa trung tâm thành phố và các vùng nông thôn có nhiều người nghiện ma túy. Thực hiện nhân rộng mô hình “Điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và tái hòa nhập cộng đồng” tại địa phương, nơi có nhiều người nghiện ma túy hoặc địa phương có nguy cơ cao bị ma túy thâm nhập.

Thứ tư, phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp xã xây dựng quy định về trách nhiệm đối với công tác quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra giám sát, phân công nhiệm vụ cho đội công tác tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn; tham mưu xây dựng các chính sách, chế độ hỗ trợ cho người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

* Xin cảm ơn bà!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *