Chủ động phòng ngừa nguy cơ tai nạn đuối nước cho trẻ

Các số liệu cho thấy, trong năm 5 gần đây, bình quân mỗi năm tại Cà Mau đều xảy ra vài chục trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Trong đó, năm 2016 có 18 trường hợp; năm 2017 có 30 trường hợp; năm 2018 có 16 trường hợp; năm 2019 có 33 trường hợp.

Các vụ đuối nước ở học sinh, trẻ nhỏ đã xảy ra tại các địa phương, gây đau xót cho gia đình, xã hội và làm dư luận băn khoăn lo lắng. Như hai vụ đuối nước xảy ra liên tiếp trong ngày 20/5 vừa qua tại huyện Ngọc Hiển và Năm Căn là một ví dụ.

Hỗ trợ tập bơi, dạy các em kỹ năng an toàn trong môi trường nước là một trong nhiều giải pháp được quan tâm thực hiện thời gian qua.

Anh Nguyễn Văn Khanh (ngụ ấp Kinh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) kể, chiều cùng ngày, sau khi cháu N.N.T (4 tuổi) ăn cơm chiều, mẹ cháu đã cho cháu ra trước sân nhà chơi với những đứa trẻ cùng xóm. Tuy nhiên, đến khoảng 16 giờ cùng ngày, gia đình anh không thấy cháu T. vào nhà. Anh Khanh cùng gia đình tìm cháu khắp nơi, khi ra bờ sông mới phát hiện cháu T. dưới sông. Cháu T. được anh Khanh và một số người dân đưa lên bờ hô hấp nhân tạo, nhưng rất tiếc cháu đã tử vong trước đó.

Cũng trong ngày 20/5, ông Danh Hoàng (ấp Bỏ Hũ, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) giữ vuông tôm nuôi cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn, không thấy cháu ngoại mình là D.T.B.V (1 tuổi) đâu, nên hô hoán nhờ mọi người tìm giúp. Đến khi ông Danh Hoàng điện báo cho quản lý vuông tôm nuôi của Công ty nhờ hỗ trợ tìm kiếm, thì phát hiện thi thể cháu V. dưới cống vuông tôm gần nhà. Qua kiểm tra hiện trường, xác minh, thu thập thông tin, lực lượng chức năng địa phương đã xác định nguyên nhân cháu V. tử vong là do ngã xuống cống vuông tôm, dẫn đến đuối nước.

Để bảo vệ con em khỏi những nguy cơ đuối nước, nhiều bậc phụ huynh đã chủ động trang bị cho con em mình kỹ năng bơi và thoát hiểm dưới nước. Tại một số cơ sở, trường học tổ chức các khóa dạy bơi hè để giúp các em thực hành bơi dưới nước, hướng dẫn trẻ xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm khi bơi, kỹ năng sơ cấp cứu khi bị ngạt nước… Bà Bùi Lệ Oanh, Trưởng phòng Bảo trợ và Bình đẳng giới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác truyền thông giáo dục về các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em, hỗ trợ tập bơi, dạy các em kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó là xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình dạy bơi hiệu quả cho các địa phương trên địa bàn các huyện, thành phố. Các trường học trên địa bàn linh động tổ chức, lồng ghép với hoạt động dạy học trên lớp; chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng phòng tránh đuối nước hiệu quả. “Trên hết, mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh cần nêu cao tinh thần tự giác quản lý, chăm sóc con em, chủ động phòng ngừa nguy cơ tai nạn đuối nước có thể xảy ra”, bà Oanh kêu gọi.

Trước đó, giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh đề nghị sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Cụ thể, tổ chức kiểm tra, rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão. Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ việc dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em trong môi trường nước tại cộng đồng, trường học; đặc biệt ưu tiên hỗ trợ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được học bơi.

Ngoài ra, quan tâm hỗ trợ, kiện toàn cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở thể dục, thể thao; xây dựng, tổ chức các điểm vui chơi an toàn cho trẻ em, nhất là vào dịp nghỉ hè.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *