Chủ động sản xuất theo hướng “nông sản sạch”

Tuy được trồng trong điều kiện thổ nhưỡng không mấy thuận lợi, nhưng vườn dâu tây trồng trong nhà kính, sử dụng đất hữu cơ của anh Nguyễn Hữu Huy Hào (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau) đã cho trái, phục vụ khách tham quan. Đặc biệt, sản phẩm là những quả dâu tây sạch, đối với vùng đất Cà Mau thật hiếm và quý.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tỉnh Cà Mau ưu tiên tập trung vào nhóm sản phẩm: Lương thực (lúa sạch); phát triển đàn lợn, gia cầm và rau sạch; rau màu; tôm sinh thái. Cụ thể, sẽ khuyến khích nông dân sản xuất lúa sạch, tiến tới hình thành cánh đồng lớn, phấn đấu mỗi năm cung cấp 100.000 tấn gạo sạch cho người tiêu dùng. Khuyến khích phát triển đàn lợn với mục tiêu đạt 300.000 con trong năm nay, bảo đảm đủ cung ứng cho người tiêu dùng trong tỉnh; phát triển đàn gia cầm đạt 1 triệu con, với đầy đủ quy trình khép kín từ khâu chọn con giống, đầu ra đều phải thông qua sự giám sát của cơ quan chức năng. Diện tích trồng hoa màu 50ha với tiêu chí sạch, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Tập trung phát triển vùng nuôi tôm sinh thái, an toàn sinh học tại một số huyện trong tỉnh: Thới Bình, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển… Trên tinh thần ấy, nông dân ngày càng có ý thức hơn trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lộc (Ấp 5, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) có truyền thống làm nghề trồng hoa màu với đủ các loại: Củ cải trắng, dưa leo, khổ qua, hành… Kinh nghiệm hơn 20 năm trồng màu, gia đình đã nghiên cứu và nắm bắt nhiều kỹ thuật trồng rau sạch. “Chúng tôi đang nhờ chính quyền địa phương liên hệ với doanh nghiệp, ký hợp đồng cung cấp nông sản sạch, góp phần tìm đầu ra ổn định và nâng cao giá trị nông sản do nông dân làm ra”, ông Lộc chia sẻ.

Cán bộ khuyến nông xã Trí Phải, bà Vương Thị Kim Ngân cho biết: “Trên địa bàn xã có 2 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác trồng màu. Riêng tổ hợp tác trồng màu có 9 hộ tham gia, diện tích 15ha. Mong muốn lớn nhất của bà con hiện nay là kết nối được với doanh nghiệp, vựa thu mua rau sạch gắn với việc đầu tư hệ thống nhà lưới, tập huấn thêm kỹ thuật trồng rau, hoa màu an toàn, giúp nông dân an tâm sản xuất, có đầu ra với giá ổn định… Về phần sản xuất rau sạch theo quy trình, bà con đã ở tư thế sẵn sàng”.

Nông dân Nguyễn Văn Lộc (Ấp 5, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) quan tâm thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch.

Theo ông Lộc, với việc sản xuất nông sản sạch thì cả sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng mới được đảm bảo an toàn, và tất nhiên, nông sản đạt chất lượng cao thì giá cũng cao và dễ bán hơn. Vấn đề quan tâm của nông dân hiện nay là đầu ra ổn định, có tổ chức thẩm định thương hiệu vùng rau an toàn để tránh lẫn lộn giữa giá và chất lượng rau an toàn với rau trồng đại trà.

Gần đây, mô hình trồng dưa lưới, dâu tây mở cửa cho khách tham quan trên địa bàn phường Tân Thành và xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau) đã mang lại những trải nghiệm thú vị cho khách tham quan. Anh Nguyễn Hữu Huy Vũ, chủ vườn dưa lưới, chia sẻ: “Từng đi tham quan nhiều điểm du lịch các tỉnh bạn, bản thân thích chụp ảnh lưu niệm và thưởng thức tại chỗ các đặc sản đặc trưng, đặc biệt là nông sản sạch, trồng theo phương pháp nhà lưới, sử dụng phân hữu cơ… Người dùng càng an tâm, dù giá thành có hơi cao một tí, khách vẫn vui vẻ chấp nhận. Từ đó, anh em chúng tôi nảy sinh ý tưởng về thực hiện các mô hình ấy trên quê hương Cà Mau, nhằm tạo ra những mô hình mới, lạ, để người dân tỉnh nhà có thể tham quan, trải nghiệm”. Nói là làm, sau 3 tháng ròng rã, dốc hết tâm sức chăm sóc, vườn dưa lưới với 1.600 gốc được trồng trong nhà kính, sử dụng nguồn phân hữu cơ đã trĩu quả, mở cửa cho khách tham quan, trải nghiệm. Chỉ 2 ngày đầu mở cửa, vườn dưa của anh Vũ đã bán và phục vụ khách trên 1.500 quả dưa lưới và nhận được rất nhiều đơn đặt hàng sau đó.

Vườn dâu tây tại ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm do anh Nguyễn Hữu Huy Hào làm chủ, có khoảng 1.500 gốc dâu. Sau 3 tháng trồng trong nhà kính, sử dụng đất hữu cơ, nước hợp lý, vườn dâu đã cho trái. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu ở Cà Mau, việc tạo ra vườn dâu tây như thế thật rất hiếm và quý. Tương tự vườn dưa lưới của anh Vũ, anh Hào đã mở cửa vườn dâu tây đón khách tham quan, trải nghiệm, thưởng thức sinh tố dâu tây, dâu tây lắc, một số loại bánh dân gian, tham gia các trò chơi dân gian, không gian nhà xưa, bếp quê… giúp khách tham quan có được những trải nghiệm thú vị.

Sò huyết là đối tượng nuôi sạch, mang lại lợi nhuận khá cho nông dân Cà Mau.

Những năm gần đây, nông dân huyện Đầm Dơi đã mạnh dạn chuyển đổi và đa dạng cây trồng vật nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững. Ví như từ mô hình nuôi tôm công nghiệp ao đất, chuyển lên nuôi ao trải bạt, đến nay tiếp tục tiến tới nuôi tôm siêu thâm canh ao tròn nổi. Bên cạnh đó, khuyến khích bà con nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp sò huyết mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tính đến thời điểm này, toàn huyện có gần 13.000ha nuôi sò huyết, trong đó 150ha chuyên sò và 12.540ha nuôi sò huyết kết hợp tôm, cua, với khoảng 300 hộ nuôi, tập trung nhiều ở các xã: Tân Đức, Tân Dân, Thanh Tùng, Tân Thuận. Anh Trịnh Hoàng Cung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dân, cho biết: “Toàn xã có 4 tổ hợp tác thì có 2 tổ hợp tác nuôi sò huyết, với trên 40 thành viên. Sò huyết là đối tượng nuôi sạch, dễ nuôi, sản phẩm có giá trị dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế khá nên được bà con chọn nuôi trên cùng diện tích vuông tôm từ nhiều năm qua. Đặc biệt, cuối năm 2019 và đầu năm nay, sò huyết trúng mùa và được giá nên bà con hết sức phấn khởi. Hiện bà con đang tiếp tục nuôi, để kịp thu hoạch vào cuối năm nay”.

Việc nông dân chủ động chọn hướng sản xuất nông nghiệp sạch là tín hiệu tích cực trong việc nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này là một trong những yếu tố quan trọng giúp nông sản làm ra có được sự cạnh tranh trên thị trường, bởi hiện nay chất lượng nông sản sạch là một trong những tiêu chí được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *