Chủ động sản xuất và bảo vệ rừng trong mùa khô hạn

Chung tay bảo vệ rừng, mỗi hộ dân tự trang bị thiết bị chữa cháy khi cần thiết.

Trồng màu trong mùa hạn mặn

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trần Văn Thời, hiện tại diện tích cày ải trên địa bàn huyện là 1.535ha, xuống giống lúa hè thu đạt 381ha, tập trung tại ấp Cơi 6A (xã Khánh Bình Tây). Lũy kế đến nay xuống giống đậu xanh 455,3ha, diện tích thu hoạch 109,5ha, năng suất đạt 1 – 1,3 tấn/ha…

Đang vào mùa hạn mặn nên diện tích trồng màu trên địa bàn giảm. Một số hộ chủ động được nước tưới thì vẫn duy trì mô hình. Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, nhận định: “Hiện tại các sông, rạch vẫn còn nước nên vấn đề nước tưới chưa đến mức đáng lo. Tuy đang là thời điểm nắng nóng, không thuận lợi cho trồng màu, nhưng do bà con trồng màu lâu năm, chủ động trữ nước và năm nay đầu tư thêm hệ thống phun tưới nước tự động nên tiết kiệm được nước tưới, mang lại hiệu quả cao”.

Bên cạnh đó, mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới giá rẻ đang được triển khai cũng đem lại nhiều thuận lợi cho bà con trồng màu trong mùa hạn mặn. Khánh Lộc là một trong những xã có diện tích trồng màu nhiều nhất huyện Trần Văn Thời. Năm 2018, xã được đầu tư xây dựng mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới giá rẻ cho 13 hộ dân, với tổng vốn đầu tư 200 triệu đồng. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. 

Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, người dân đã chủ động hơn trong sản xuất, nhiều mô hình hay được áp dụng nhằm chủ động nguồn nước trong tưới tiêu.

Tại xã Khánh Lộc, địa phương có diện tích trồng rau màu nhiều ở huyện, theo UBND xã cho biết, bà con đã chủ động nước tưới từ trước, cộng với hiệu quả từ mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới giá rẻ đã giúp bà con trồng màu giữ vững năng suất trong mùa hạn mặn, tiết kiệm được chi phí và tăng năng suất.

Qua thử nghiệm mang lại kết quả khả quan, số hộ thực hiện mô hình trồng hoa màu trong nhà lưới ở Khánh Lộc hiện lên đến 50 hộ và còn nhiều hộ đang triển khai. Gia đình anh Bùi Hoàng Lam (ấp Rạch Ruộng B) là một trong 4 hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng rau trong nhà lưới giá rẻ. Gia đình anh Lam trồng rau màu hơn 5 năm nay, với 1.500m2 trồng các giống rau ngắn ngày: Rau muống, các loại cải, bầu, bí… Anh Lam phấn khởi: “Lúc trước trồng rau màu, tháng hạn hay bị phèn, rau sinh trưởng không tốt. Giờ có mái lưới che, hạn chế ánh nắng nên mát mẻ, rau cũng vượt hơn, gia đình đầu tư vòi phun nước nên không tốn công tưới, tiết kiệm nước. Trồng trong nhà lưới, rau cũng ít sâu bệnh hơn, giảm chi phí phân thuốc, đỡ công chăm sóc nên hiệu quả cao hơn trước”.

Hiện tại, ngành Nông nghiệp huyện đang tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn theo dõi tiến độ cày ải, làm đất xuống giống lúa hè thu; dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng; triển khai, hướng dẫn xây dựng khung lịch thời vụ cho các xã, thị trấn. Theo khung lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng cho sản xuất vụ mùa năm 2019, khuyến cáo bà con xuống giống rau màu bắt đầu từ tháng 5, 6 (khi mùa mưa đến), tập trung các vùng sinh thái ngọt của huyện. Đối với các địa phương vùng sinh thái mặn, bố trí trồng rau màu trên bờ xáng, bờ vuông, đất trống xung quanh nhà… xuống giống tập trung từ tháng 6 khi mưa nhiều, đảm bảo đất được rửa mặn mới xuống giống. Nên chọn các giống lai F1 có năng suất, chất lượng cao theo nhu cầu thương lái, người tiêu dùng.

Kênh mương trong các cánh rừng thường xuyên được nạo vét.

Mưa đầu mùa làm tăng nguy cơ cháy rừng

Hiện nay, hầu hết diện tích rừng U Minh Hạ, rừng đảo bị khô (43.563ha), trong đó đã báo động cấp III (cấp có khả năng cháy cao) 3.014ha, cấp IV (cấp nguy hiểm) 15.621ha, cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) 23.412ha. Để công tác phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả cao, Chi cục Kiểm lâm khuyến cáo cán bộ và bà con đang sinh sống dưới tán rừng không được lơ là chủ quan, mà phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống cháy rừng, chấp hành và thực hiện tốt các quy định an toàn về PCCCR, nhất là các cá nhân, hộ gia đình sống trong và ven rừng. Ở các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, đề nghị các chủ rừng phải bố trí lực lượng, phương tiện trực PCCCR 24/24 giờ trong suốt mùa khô để chủ động xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng có thể xảy ra.

Ngay từ đầu mùa khô, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đến lực lượng và người dân sống trên lâm phần. Toàn tỉnh hiện có trên 43.000ha rừng đảo bị khô; khoảng 23.412ha rừng dự báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), tập trung ở khu vực rừng sản xuất thuộc các xã: Nguyễn Phích, Khánh An, Khánh Lâm (huyện U Minh) và lâm phần rừng tràm thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ.

Là hộ được nhận khoán 6ha trồng rừng thâm canh, ông Lâm Bạch Đằng (Ấp 20, xã Nguyễn Phích) luôn phối hợp tốt cùng chính quyền địa phương trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Ngoài chủ động theo dõi diện tích rừng đang trong thời điểm khô hạn, ông Đằng còn tự trang bị máy bơm nước tại nhà để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Ông cho biết: “Hai năm trở lại đây, từ khi có máy bơm tự trang bị tại nhà, tôi cảm thấy an tâm hơn mỗi khi khô hạn kéo dài. Khi nhiệt độ tăng quá cao, tôi sẽ tự bơm nước để hạ nhiệt cho rừng tràm. Ngoài ra, tôi cũng cùng các anh em trên địa bàn chặt, tỉa cành khô, dọn dẹp thực bì, ý thức không mang theo bật lửa hay các vật dụng dễ cháy vào rừng”.

Dù những ngày qua đã có các cơn mưa đầu mùa, nhưng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, lượng mưa như hiện nay chưa an toàn cho rừng; chỉ khi lượng mưa lớn, đều trên diện rộng, nước ngập “chân rừng” thì nguy cơ cháy rừng mới không còn. Lượng mưa như hiện nay, diễn ra cục bộ không đều trên toàn lâm phần, chỉ làm rửa phèn trên lớp thực bì, khi có cháy xảy ra sẽ càng khó chữa, do vật liệu cháy khô và được rửa phèn, không bị ẩm ướt. Cho nên hiện nay công tác PCCCR vẫn còn rất căng thẳng; diện tích rừng khô hạn cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) vẫn tăng. Ngoài ra, thời điểm này người dân chuẩn bị đốt đất nông nghiệp, lấy mật ong và săn bắt thú rừng trái phép… nên nguy cơ cháy càng cao hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *