Chú trọng tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng cơ bản gồm: Người lái xe chưa hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT), kỹ năng lái xe, đạo đức nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nhiều lần, cá biệt có những vi phạm nghiêm trọng có nguy cơ cao dẫn đến TNGT: Điều khiển xe đi ngược chiều, cố tình băng qua đường không đúng nơi quy định, sử dụng điện thoại di động khi lái xe chở khách… Điều này xuất phát ngay từ khâu đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và quản lý lái xe còn nhiều bất cập, tiêu cực. Thêm vào đó, một bộ phận người dân có thái độ cổ vũ, ủng hộ cho các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, thậm chí trên một số trang mạng xã hội còn hướng dẫn cách “đối phó” với cảnh sát giao thông (CSGT)…

Tăng cường kiểm soát trật tự an toàn giao thông cần đi đôi với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Nhiều kết quả tích cực

Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT được quan tâm, thực hiện có chiều sâu, nội dung tuyên truyền được lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt chi, tổ, hội của đoàn thể cấp cơ sở. Trong đợt cao điểm lễ, tết, các cơ quan báo, đài đã kịp thời đưa tin về tình hình trật tự ATGT, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT và phê phán các hành vi vi phạm thường gặp, qua đó làm chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông.

Trong 9 tháng qua, Ban ATGT tỉnh đã tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trên các cơ quan báo, đài của tỉnh và đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn; phối hợp với các lực lượng chức năng cấp, phát hơn 1.000 quyển trích quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu, bia – Không lái xe” thu hút gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, học sinh và quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng; tổ chức cho các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn ký cam kết các lái xe của doanh nghiệp thực hiện “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”; cấp, phát cẩm nang tuyên truyền về phòng, chống TNGT do uống rượu, bia; tặng quà các gia đình nạn nhân TNGT có hoàn cảnh khó khăn, trị giá hơn 5 triệu đồng.

Các lực lượng chức năng kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đồng thời nhắc nhở 1.830 hộ mua bán lấn chiếm lòng, lề đường; tổ chức phát thanh lưu động 3.118 cuộc về Nghị định 100/2019/NĐ-CP; tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa và Nghị định số 132/2015/NĐ-CP, ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, tuyên truyền trực tiếp cho 425 chủ bến khách, phương tiện thủy nội địa; tuyên truyền người tham gia giao thông trên phương tiện thủy phải mặc áo phao cứu sinh…

Nhìn nhận hạn chế để nâng cao hiệu quả

Theo đánh giá của ngành chức năng, đã qua, mặc dù công tác tuyên truyền được chú trọng, kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, trong công tác này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn người tham gia giao thông mới chủ yếu thực hiện ở bề nổi, từng lúc, từng nơi chưa tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia giao thông có nguy cơ vi phạm cao. Sự quan tâm, đầu tư về kinh phí, trang thiết bị và con người cho công tác này còn hạn chế. Nội dung tuyên truyền vẫn nặng về lý thuyết, thiếu việc huấn luyện những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cách xử lý tình huống thực tế khi có sự cố, va chạm và tai nạn xảy ra. Chưa tạo ra được môi trường thực hành, tạo điều kiện để các đối tượng được tuyên truyền chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Các quy định của pháp luật về trật tự ATGT còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một hành vi vi phạm. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn trong quá trình xử lý vi phạm giữa lực lượng CSGT với người dân. Thêm vào đó, quy định của pháp luật về chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông còn chung chung, không có định mức cụ thể về hành vi, để lực lượng CSGT có cơ sở xác định và tiến hành đấu tranh ngăn chặn. Hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự ATGT còn hạn chế, chưa huy động được hết sức mạnh và các nguồn lực xã hội vào công tác bảo đảm trật tự ATGT, nên ý thức, trách nhiệm công dân, văn hóa giao thông của nhiều người tham gia giao thông chưa cao. Đồng thời, cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác bảo đảm trật tự ATGT của lực lượng CSGT còn một số thiếu sót; công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đôi lúc còn chưa tương xứng với thực tế vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, vẫn nặng về xử phạt, coi nhẹ biện pháp giáo dục, thuyết phục và còn xảy ra tiêu cực…

Để ổn định tình hình trật tự ATGT, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT đường bộ, đường thủy, mọi người cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, người xung quanh cùng thực hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *