Chưa giải tỏa triệt để chướng ngại trên sông

Thiếu sự phối hợp

Theo kết quả kiểm tra của Ban ATGT tỉnh, trên cơ sở kế hoạch giải tỏa vật chướng ngại trên các tuyến sông, các phòng, ban chuyên môn, các địa phương của huyện, TP. Cà Mau triển khai công tác điều tra, rà soát thống kê vật chướng ngại để tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức, tự giác tháo dỡ, đồng thời thông báo lộ trình cưỡng chế, tháo dỡ nếu người vi phạm không tự giác chấp hành. Theo đó, đã tổ chức được 104 cuộc tuyên truyền cho hơn 15.000 lượt người, phát 6.500 tờ rơi, tổ chức phát thanh trực tiếp 36 lượt ở khu dân cư dọc theo tuyến sông.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, có 243 hộ tự tháo dỡ vật chướng ngại trên sông và cam kết không tái phạm. Các huyện, thành phố tổ chức ra quân giải tỏa các tuyến sông, kênh trên địa bàn. Theo Ban ATGT tỉnh, các địa phương thực hiện tốt công tác giải tỏa: Huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, Thới Bình, Cái Nước.

Tuy nhiên, một số kênh, rạch nhỏ, các xã chưa giải tỏa dứt điểm vó, lú gây cản trở giao thông. Đối với các đáy cá có lịch sử lâu đời sẽ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và xây dựng lộ trình giải tỏa.

Đối với công tác phối hợp giải tỏa trên tuyến sông giáp ranh giữa 2 địa bàn, qua kiểm tra, phần lớn đối với các tuyến địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện chưa thực hiện tốt công tác phối hợp, nên hiệu quả chưa cao, điển hình là tuyến sông Bảy Háp giáp ranh giữa huyện Đầm Dơi – huyện Cái Nước, giáp ranh giữa huyện Năm Căn – huyện Phú Tân; tuyến sông Bàu Trấu giáp ranh giữa huyện Cái Nước – huyện Phú Tân. Đặc biệt, đối với những tuyến sông giáp ranh với tỉnh lân cận: Bạc Liêu, Kiên Giang thì hầu như không phối hợp được với địa bàn giáp ranh để giải tỏa.

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, đối với công tác giải tỏa, thanh thải các chướng ngại vật trên sông tại địa phương gặp không ít khó khăn. Theo đó, phần lớn người dân khai thác thủy sản tạo vật chướng ngại trên sông là hộ nghèo, không nghề nghiệp, không đất sản xuất, cuộc sống hàng ngày nhờ vào khai thác thủy sản trên sông. Theo đặc thù của một số nơi, việc khai thác con giống mang lại nguồn lợi quá lớn, nên người dân bất chấp, tổ chức đăng đáy để khai thác mỗi khi vào mùa: Đăng cua giống, cá kèo giống, đăng ruốc…

Một số nơi, chính quyền cấp xã chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, nên công tác tuyên truyền, vận động, công tác giải tỏa hiệu quả không cao. Thêm vào đó là công tác điều tra, thống kê các địa phương thực hiện còn qua loa, chưa có chiều sâu nên chưa phân loại đối tượng để tuyên truyền, vận động, hướng nghiệp nên khả năng tái chiếm sau giải tỏa là khá cao. Các huyện, TP. Cà Mau chưa triển khai thực hiện tốt công tác phối hợp để giải tỏa địa bàn giáp ranh, mặc dù Ban ATGT tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác này.

Hiện nay, phần lớn các tuyến sông do tỉnh, huyện, xã quản lý đều không có hệ thống báo hiệu theo quy định, nên việc xác định luồng tàu chạy và hành lang bảo vệ luồng tàu chạy rất khó khăn. Nguồn lực của cấp xã còn hạn chế (con người, kinh phí, phương tiện) nên việc giữ sạch địa bàn sau giải tỏa còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, thông qua công tác kiểm tra việc thanh thải, giải tỏa chướng ngại vật trên sông, mặc dù đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nhưng kết quả vẫn chưa được xử lý triệt để.

Chú trọng giải quyết việc làm

Trên cơ sở thực tế, Ban ATGT tỉnh cũng đã có ý kiến đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, TP. Cà Mau trực tiếp vào cuộc chỉ đạo giải tỏa dứt điểm vật chướng ngại trên sông. Đến cuối năm 2018 nếu không giải tỏa dứt điểm sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu có ý kiến đề xuất với UBND tỉnh về khai thác, nuôi trồng thủy sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng.

Về hình thức khai thác, nuôi trồng: Thành lập các làng nghề, tổ hợp tác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng, có sự quản lý của Nhà nước và hình thức tự quản (theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004).

Nếu thành lập được các làng nghề, sẽ ưu tiên giải quyết cho các hộ sống bằng nghề khai thác thủy sản trên sông có hoàn cảnh khó khăn và các hộ sống bằng nghề đáy cá có lịch sử lâu đời…

Bên cạnh đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai đề án giải tỏa các hàng đáy và hoạt động khai thác thủy sản trên sông, rạch, để các địa phương làm cơ sở tổ chức thực hiện. Giao Ban ATGT tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc họp với các tỉnh giáp ranh để ký kết công tác phối hợp bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn giáp ranh.

Đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, TP. Cà Mau chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức điều tra, thống kê những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống bằng nghề khai thác thủy sản trên sông, để có chính sách an sinh xã hội, giúp họ có cuộc sống ổn định, không tạo vật chướng ngại khai thác thủy sản trên sông.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *