Chuẩn bị nhân lực và hạ tầng cho hai thị xã tương lai

Diện mạo đô thị Năm Căn đang phát triển, song rất cần tập trung nguồn lực đầu tư để xứng tầm khi trở thành thị xã – đô thị động lực, trung tâm phát triển công nghiệp mang tầm khu vực. Ảnh: Một góc đô thị Năm Căn. Ảnh: PHÚ HỮU

ĐẢM BẢO THEO NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC

Là địa phương vùng ven biển, dân cư tập trung đông đúc, thương mại – dịch vụ đang phát triển khá nhanh, khi nâng lên thành thị xã trong tương lai, Sông Đốc rất cần có đội ngũ cán bộ, công chức không những đảm bảo về trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo mà còn phải đáp ứng về số lượng. Theo đề xuất, nhu cầu cần khoảng 136 biên chế khi thành lập thị xã Sông Đốc. Cụ thể, khối nhà nước cần khoảng 84 biên chế, bố trí hoạt động tại 12 phòng, ban chuyên môn; đối với 11 khối đảng, đoàn thể, Ủy ban MTTQ, Liên đoàn Lao động, nhu cầu cần 52 biên chế. Trên cơ sở đó, qua rà soát, sắp xếp cán bộ, khi Sông Đốc trở thành thị xã, tỉnh và huyện Trần Văn Thời sẽ điều động khoảng 50 công chức về công tác tại Sông Đốc, đồng thời giao biên chế về địa phương đối với một số đối tượng dư ra do nghỉ hưu, tinh giản biên chế năm 2015 từ tỉnh và huyện.

Thực hiện Nghị định 108/2014/NĐCP, ngày 20/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách tinh giản biên chế, dự kiến trong năm 2015, tỉnh Cà Mau sẽ có 35 người được áp dụng theo nghị định này; đồng thời sẽ có trên 50 công chức đến tuổi nghỉ hưu. Đối với tổ chức bộ máy và biên chế các cơ quan ngành dọc tại địa phương: Tòa án nhân dân, Ban Chỉ huy Quân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Chi cục Thuế và Kho bạc Nhà nước…, sau khi có quyết định thành lập đơn vị hành chính, sẽ tiến tới thành lập đơn vị, bộ máy tổ chức, biên chế, khi cần thiết sẽ tăng cường nhằm đảm bảo hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Riêng đối với Chi cục Thống kê, Chi cục Thi hành án, Bảo hiểm xã hội, sẽ được bổ sung biên chế từ huyện Trần Văn Thời, các huyện khác và từ tỉnh về nhằm đảm bảo hoạt động. Đối với thị xã Năm Căn, giữ nguyên tổ chức bộ máy và biên chế của huyện Năm Căn như hiện nay.

Với cấp độ địa phương, khi trở thành thị xã Sông Đốc, cần thành lập 2 phường thuộc đơn vị loại II, nhu cầu cần được bố trí 42 cán bộ, công chức. Vấn đề này sẽ được đáp ứng từ nguồn cán bộ, công chức được điều động từ thị trấn Sông Đốc và các xã lân cận. Đối với thị xã Năm Căn sẽ có 3 phường loại III, nhu cầu cần 63 cán bộ, công chức và tất cả đều được điều động trong phạm vi địa phương.

Sông Đốc hướng phát triển gắn với kinh tế biển, trong đó tập trung cho khai thác và chế biến hải sản.

TẬP TRUNG NGUỒN ĐẦU TƯ

Do đây đều là hai đô thị động lực của tỉnh, nhất là việc hình thành Khu kinh tế (KKT) Năm Căn – huyện Năm Căn cũng như Khu công nghiệp (KCN) Sông Đốc – thị trấn Sông Đốc, nhu cầu nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông là rất lớn, tập trung vào chỉnh trang đô thị, hạ tầng KKT, KCN. Qua tính toán, tổng nguồn đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 tại Sông Đốc là 1.340 tỷ đồng, Năm Căn là 3.140 tỷ đồng, phần lớn từ nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương. Theo đó, nguồn Trung ương hỗ trợ xây dựng trung tâm hành chính thị xã Năm Căn đến năm 2020 trên 700 tỷ đồng, xây dựng các công trình kè chống sạt lở tại trung tâm thị xã hơn 1.000 tỷ đồng, các khu tái định cư và các tuyến đường nội ô thị xã hơn 675 tỷ đồng… Tại Sông Đốc, do tình hình thực tế, trong 5 năm tới sẽ tiến hành xây dựng kết cấu hạ tầng thị xã trên 500 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng nguồn đầu tư tại địa phương. Ngoài ra, hai địa phương còn được hỗ trợ từ nguồn xây dựng nông thôn mới cho mỗi đơn vị là 150 tỷ đồng.

Với trục kinh tế kết nối theo tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh; cùng với đó là hệ thống đường thủy, cảng Năm Căn kết nối với cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, KKT Năm Căn, sẽ tạo dựng nền tảng vững chắc, động lực quan trọng, xây dựng thị xã Năm Căn vươn tầm trong tương lai gần. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KKT Năm Căn sẽ trở thành Khu du lịch Quốc gia và nghiên cứu xây dựng nhà máy lọc dầu tại Năm Căn. Đồng thời, với thế mạnh về lâm nghiệp, thủy sản, tới đây sẽ hình thành khu nuôi trồng và sản xuất thủy sản kỹ thuật cao tại KKT Năm Căn (nuôi tôm trong nhà kính như ở Bạc Liêu). Đây là dự án do Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thực hiện đồng thời với đầu tư khu phi thuế quan. Hiện, Công ty International Bechtel Co.Ltd – Hoa Kỳ phối hợp cùng Công ty Phát triển cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong cam kết đầu tư khu dịch vụ logistic. Trong 5 năm tới, dự kiến KKT Năm Căn sẽ được đầu tư trên 1.600 tỷ đồng, nguồn từ ngân sách Trung ương và địa phương trên 1.000 tỷ đồng.

Đối với Sông Đốc, hiện nay đang tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng kết nối hạ tầng KCN Sông Đốc – bờ Bắc và bờ Nam với tổng diện tích trên 145ha, tổng nguồn khoảng 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn trong và ngoài nước. Cùng với đó là Khu dịch vụ – dân cư KCN Sông Đốc trên 40ha, vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, đặc biệt là giao thông bộ cho Sông Đốc phát triển trong tương lai, tới đây Cà Mau sẽ tiến hành triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường 38km từ Tắc Thủ – Rạch Ráng – Sông Đốc với quy mô đường cấp IV đồng bằng, từ nguồn BOT, dự kiến trên 1.300 tỷ đồng. Cùng với đó sẽ xây dựng cầu bắc qua sông Ông Đốc (dài 675m, tổng nguồn gần 500 tỷ đồng) nhằm kết nối địa phương với tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh.

Hướng đầu tư mạnh mẽ cho hai thị xã là bước đi mang tầm nhìn chiến lược trong hoạch định phát triển kinh tế biển, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu phi thuế quan – khu kinh tế Năm Căn (quy mô 800ha, tổng nguồn khoảng 8.000 tỷ đồng), Dự án Khu tái định cư – đô thị – thương mại khu kinh tế Năm Căn với quy mô 620ha, tổng nguồn khoảng 4.000 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ tạo nên diện mạo mới, xứng tầm thị xã trong tương lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *