Chung sức vượt khó sau đại hạn và đại dịch

Nhiều cái khó chung

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế – xã hội (KT-XH) huyện gặp những khó khăn nhất định do tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự chỉ đạo kỳ quyết của Huyện ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND và sự nỗ lực, quyết tâm của UBND huyện cùng các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, huyện U Minh đã vượt qua khó khăn, góp phần đưa tình hình phát triển KT-XH, quốc phòng – an ninh cơ bản ổn định. Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại bình quân đạt từ 14 tiêu chí trở lên; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá 204/204 phương tiện, đạt 100%; thu ngân sách quý II được hơn 13 tỷ đồng, đạt hơn 170% chỉ tiêu quý II, lũy kế thu ngân sách đến nay được 33 tỷ 618 triệu đồng, đạt 74,71% so với Nghị quyết năm.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm, huyện U Minh chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng – an ninh năm 2020; thi đua, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần XI bằng những công trình, phần việc cụ thể của địa phương, đơn vị.

Kinh tế thủy sản vẫn là ngành mũi nhọn những tháng cuối năm.

Đối với huyện Năm Căn, tổng sản lượng nuôi và khai thác thủy sản đạt hơn 55% so với Nghị quyết; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng 3.605ha so với cùng kỳ, tổng diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tăng 0,24% so với cùng kỳ; các mô hình ương vèo cua giống, nuôi cua, nuôi sò huyết, nuôi vọp trong vuông tôm của nông dân trên địa bàn huyện tăng mạnh, nhân rộng và đạt năng suất cao.

Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo: “Các ngành, các cấp cần tập trung khôi phục sản xuất diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; quan tâm các sản phẩm tiêu thụ trong nước và tích cực khai thác thị trường ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hướng dẫn người dân tái đàn heo và gia cầm; tập trung trồng, chăm sóc và phát triển kinh tế rừng; theo dõi chặt chẽ thiên tai và khắc phục sụt lún đê biển Tây, tránh vỡ đê mùa mưa bão”.

Tỉnh tập trung khôi phục sản xuất diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh.

Tập trung ngành hàng chủ lực

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Ngọc Hiển đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan, các xã, thị trấn tích cực triển khai thực hiện. Thông qua chương trình, huyện đang kỳ vọng lan tỏa thương hiệu địa phương, tăng giá trị sản phẩm giúp cho các sản phẩm vươn xa hơn thị trường truyền thống lâu nay, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân và tạo ra “làn gió mới” trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện Ngọc Hiển có nhiều làng nghề truyền thống và mặt hàng đặc sản, trong đó  không ít sản phẩm có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần. Đặc biệt, những sản phẩm mang tính đặc trưng của huyện khá phong phú về chủng loại, với các nhóm chính: Thực phẩm, đồ uống, đồ lưu niệm… Đây là lợi thế để huyện triển khai chương trình OCOP. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các sản phẩm tiêu biểu; hướng dẫn nội dung chương trình đến các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình. Sau khi lựa chọn được các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, những yêu cầu khắt khe mà OCOP đưa ra. Việc triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng sản phẩm trên địa bàn huyện có thương hiệu một cách bài bản và bền vững.

Qua rà soát, trong năm nay, huyện Ngọc Hiển có 5 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP với 7 sản phẩm tiêu biểu, gồm: Đũa đước, tôm khô biển, cá khô biển, bánh phồng tôm, chà bông tôm, tôm khô vuông, muối tôm cay. Địa phương vẫn đang nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ các cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã… xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP của những năm tiếp theo; chỉ đạo các ngành liên quan, các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, đánh giá, giới thiệu sản phẩm để xây dựng sản phẩm OCOP.

Ngành Du lịch Cà Mau cũng định hướng từ nay đến cuối năm sẽ tập trung đẩy mạnh Chương trình xúc tiến du lịch. Theo dự báo đến cuối năm, du lịch Cà Mau thu hút khoảng 1,4 triệu lượt khách (trong đó có 7.383 lượt khách quốc tế), ước đạt 74,5% và mức doanh thu khoảng 2.158 tỷ đồng, ước đạt 83% so kế hoạch đề ra cả năm. Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Huyện Trần Văn Thời đã và đang xây dựng, phát triển du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín và sức cạnh tranh cao; xây dựng một số sản phẩm, loại hình du lịch của huyện đạt thương hiệu du lịch khu vực, quốc gia; phát triển du lịch đảm bảo hài hòa giữa KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, tạo động lực phát triển KT-XH của địa phương.

Theo đó, xây dựng các phương án phát triển sản phẩm du lịch; lập quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, điểm dừng chân cho khách du lịch phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và phù hợp với điều kiện thực tế của huyện, đảm bảo tính khả thi. Lựa chọn, mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực và thương hiệu mạnh đầu tư vào các điểm, khu du lịch trong huyện; xây dựng Làng Văn hóa Du lịch tập trung ở các địa bàn phù hợp, có vị trí thuận lợi về giao thông, được đầu tư phát triển hạ tầng và có sản phẩm chủ lực để xây dựng sản phẩm đặc thù. Trong đó, trước mắt tập trung khảo sát tại xã Khánh Bình Tây. Bên cạnh đó là đầu tư và mời gọi đầu tư xây dựng và mở rộng khu, điểm du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái, cộng đồng: Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, khu tưởng niệm nghệ nhân văn hóa dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi), Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Đầm Thị Tường; hình thành tour du lịch ra Hòn Chuối; tiếp tục đề xuất nâng tầm Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc lên tầm Lễ hội cấp tỉnh.

Với sự kỳ quyết gỡ khó, hướng tới tăng tốc những tháng cuối năm của các cấp, các ngành, địa phương, tin rằng Cà Mau sẽ đạt kết quả khả quan trong phát triển KT-XH ở năm cuối nhiệm kỳ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *