“Chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

* Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật về công tác ASXH mà tỉnh đã đạt được trong 5 năm qua?

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Trong nhiều năm qua, Cà Mau đã xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp bảo đảm ASXH cho người dân. Hệ thống các chính sách ASXH ngày càng đồng bộ và hoàn thiện trên các lĩnh vực như: Giảm nghèo, giải quyết việc làm, ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, hỗ trợ Bảo hiểm y tế, mở rộng các dịch vụ xã hội công cộng, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) để nâng cao mức sống của người dân, tỉnh luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo. Tỉnh đã ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án và huy động nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Các chính sách và giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên nhiều phương diện như hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về hỗ trợ cho vay ưu đãi, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; phát triển đào tạo nghề, giải quyết việc làm; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn… Đến nay, công tác giảm nghèo đã đạt được kết quả nổi bật. Giai đoạn 2016 – 2019 (chuẩn nghèo đa chiều): Tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2016 là 9,94% đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,52%, bình quân giảm 1,9%/năm, đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (giảm 1,5%/năm); đã giúp 26.346 hộ thoát nghèo. Đến nay, có 1/11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo ra khỏi chương trình, được công nhận nông thôn mới và có 10/67 ấp hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm. Cùng với đó, hệ thống Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế được quan tâm. Qua 5 năm, số người nghèo và người cận nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế là 963.610 người.

Việc làm không chỉ quan trọng đối với từng cá nhân mà còn là yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định xã hội. Do đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình giải quyết việc làm, với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực. Giai đoạn 2016 – 2019 hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho 145.647 người; giải quyết việc làm 156.716 người (trong tỉnh 58.656 người, ngoài tỉnh 97.579 người và xuất khẩu lao động 481 người).

Không chỉ tập trung công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm, tỉnh cũng không ngừng hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với người có công; đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất; thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời các chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với người cao tuổi; duy trì thường xuyên và thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng, động viên nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi trên địa bàn.

Hệ thống các dịch vụ xã hội trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thông tin, cung cấp điện, nước sinh hoạt, bảo đảm điều kiện đi lại… đã được quan tâm phát triển, nhất là ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” được các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các đơn vị và cá nhân chủ động thực hiện và tích cực hưởng ứng tham gia, đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đóng góp đáng kể vào việc nâng cao ASXH cho người dân, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số….

Các cấp hội, đoàn thể luôn đồng hành cùng hộ nghèo, tạo điều kiện, giúp đỡ để họ vươn lên.

* Để đạt được những kết quả khả quan đó, phải kể đến sự đóng góp quan trọng của tổ chức Mặt trận và các đoàn thể. Ông đánh giá sao về điều này?

Ông Nguyễn Quốc Thanh: Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) của tỉnh thực hiện khá hiệu quả chương trình ASXH bằng nhiều giải pháp thiết thực, kết hợp giữa hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế với hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng mô hình phát triển kinh tế… thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” và công tác ASXH theo Nghị quyết Đại hội Phụ nữ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã đề ra, góp phần khẳng định vai trò và uy tín của tổ chức Hội đối sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Đặc biệt, đối với MTTQ tỉnh, trong giai đoạn năm 2011 – 2019 đã vận động Quỹ “Vì người nghèo”, tiếp nhận được gần 223 tỷ đồng (tiền mặt hơn 56,7 tỷ đồng, còn lại vật chất quy thành tiền). Trong đó, vận động xây dựng và sửa chữa gần 9.300 căn Nhà Đại đoàn kết, 581 căn Nhà tình nghĩa, xây dựng 918 cầu giao thông nông thôn, khoan trên 1.800 giếng nước; giúp đỡ 3.566 hộ nghèo về sản xuất, khám chữa bệnh cho trên 35.000 lượt người; giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 6.670 tấn gạo, 147.800 suất quà, 477 xe lăn cho người tàn tật, vận động giúp quần áo đồng phục học sinh, học bổng, sách vở, dụng cụ học tập, xe đạp…

Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, cầu, lộ giao thông nông thôn, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp hàng năm xây dựng các dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo kinh doanh, sản xuất, mua cây, con giống…

Ngoài ra, năm 2020, hệ thống Mặt trận các cấp đăng ký giúp đỡ 878 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo và 75 hộ thoát nghèo bền vững. Hiện nay, đang tập trung tạo điều kiện, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thực hiện phương án lao động, sản xuất, hỗ trợ vay vốn hoặc hỗ trợ vốn để hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững…

Phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế trong xã hội, nhất là trong tham gia phát triển kinh tế gia đình.

* Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ đề ra những mục tiêu, giải pháp như thế nào để công tác đảm bảo ASXH ngày một tốt hơn, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Thanh: Trước tình hình kinh tế của đất nước khó khăn, tác động của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và để lại hậu quả lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Tình trạng lao động thiếu việc làm, mất thu nhập,  cuộc sống của người dân sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó có khả năng vươn lên thoát nghèo, số hộ nghèo mới thoát nghèo nguy cơ tái nghèo rất cao.

Để đảm bảo chính sách ASXH trong thời gian tới, đồng thời đạt được mục tiêu phát triển KT-XH  của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh một số giải pháp sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời, đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác ASXH. 

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị – xã hội. Cập nhật thông tin về chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật qua các kênh khác nhau với nhiều hình thức khác nhau. Chú trọng phổ biến giới thiệu các mô hình quản lý, các mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả, các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình giảm nghèo và ASXH… Khuyến khích làm giàu chính đáng, khuyến khích các đối tượng yếu thế tự vươn lên bảo đảm an sinh, khắc phục tính ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước.   

Huy động nguồn lực, để thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng khó khăn. Tăng cường xã hội hóa, tiếp tục huy động nguồn lực trong nhân dân, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực vào công tác ASXH, bảo trợ các đối tượng yếu thế.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tham mưu ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chính sách. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, niêm yết công khai và hướng dẫn cụ thể cho người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện các quy trình nghiệp vụ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công, ASXH và bộ chỉ số ASXH.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với người có công và bảo đảm ASXH; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tăng cường phản biện xã hội. Theo dõi giám sát cho từng lĩnh vực, thực hiện nghiêm túc hoạt động báo cáo định kỳ, cập nhật liên tục và chính xác số liệu qua các cấp quản lý…

* Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *