Chuyển biến tích cực từ thực hiện Nghị định 61

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc đối với việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định số 61 và dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều sáng kiến, giải pháp mới được nghiên cứu, triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực: Ứng dụng Zalo, thực hiện quy trình liên thông trong giải quyết TTHC…

Việc thành lập Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại một đầu mối đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp. Đây là bước đột phá trong công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC nói riêng của tỉnh, được sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp (DN).

Bộ phận một cửa của đa số các đơn vị cấp huyện, cấp xã hoạt động khá hiệu quả; thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quy định tại Nghị định 61. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được kiểm soát chặt chẽ qua hệ thống thông tin một cửa điện tử, từ đó khắc phục được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị và giữa các bộ phận, công chức, viên chức, hạn chế thấp nhất việc xử lý, trả kết quả trễ hạn. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn hàng năm, trung bình đạt trên 95%; mức độ hài lòng của người dân, DN trung bình đạt trên 90%.

Thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đã có những chuyển biến tích cực trong những năm qua.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN giám sát việc xử lý hồ sơ, TTHC của các cơ quan hành chính và công chức, viên chức. Cụ thể, người dân, DN có thể tra cứu thông tin về quá trình giải quyết hồ sơ, biết được những cơ quan, đơn vị nào xử lý chậm, trễ. Từ đó, yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách TTHC.

Theo UBND tỉnh, trong tổ chức thực hiện Nghị định 61 vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Còn một số cán bộ, công chức, viên chức năng lực còn hạn chế. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích thời gian qua tuy có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn hạn chế so với yêu cầu đặt ra; nguyên nhân là do người dân vẫn còn thói quen đến bộ phận một cửa để giao dịch TTHC, không yên tâm sử dụng các dịch vụ qua môi trường mạng và bưu chính công ích. Hồ sơ TTHC của một số lĩnh vực phải xử lý cùng lúc trên cả 2 phần mềm (một cửa điện tử của tỉnh; phần mềm chuyên ngành của các Bộ, ngành Trung ương) gồm các lĩnh vực: Thuế, đăng ký kinh doanh, quản lý hộ tịch, cấp giấy phép lái xe, phần mềm Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất thiệp… gây khó khăn, mất thời gian cho công chức, viên chức. Một số cán bộ, công chức có thái độ giao tiếp thiếu hòa nhã với người dân; có trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết TTHC. Bộ phận một cửa nhiều đơn vị cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, cả về trụ sở và trang thiết bị làm việc. Chưa triển khai thực hiện quy trình “4 tại chỗ” trong giải quyết TTHC do khó khăn trong việc phê duyệt hồ sơ tại chỗ (cụ thể là khó khăn trong việc bố trí công chức có thẩm quyền ký văn bản; việc đóng dấu văn bản).

Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.

Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC quy định: “Chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, giải quyết TTHC theo hướng nâng cao tỷ lệ thực hiện tại chỗ việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả, bảo đảm tại Trung tâm phục vụ hành chính thực hiện tại chỗ đối với tối thiểu 20% TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ; tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện thực hiện tại chỗ đối với tối thiểu 50% TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ”. Đối với điều kiện thực tế của địa phương là chưa phù hợp vì: Tại Cà Mau, bộ phận một cửa được bố trí riêng biệt, cách xa với các cơ quan chuyên môn nên việc phê duyệt tại chỗ là khó có thể triển khai thực hiện, vì liên quan đến việc sử dụng con dấu và bố trí cán bộ, công chức lãnh đạo trực để ký hồ sơ tại bộ phận một cửa. Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, không quy định tỷ lệ TTHC triển khai thực hiện, mà tùy vào tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương triển khai phần mềm chuyên ngành trong giải quyết TTHC, cần có sự hiệu chỉnh, thống nhất chung với phần mềm Một cửa của các địa phương để tránh trường hợp các địa phương phải nhập dữ liệu ở cả hai phần mềm làm lãng phí thời gian của cán bộ, công chức. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định cho nhiều tổ chức cùng tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính công ích (hiện nay, theo quy định của Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg, chỉ có Bưu điện là đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích), nhằm tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *