Chuyện về ấp mang tên ngày sinh của Bác…

Dấu mốc đặc biệt của quê hương

Nghe chúng tôi cần tìm hiểu về địa danh của quê hương, cựu chiến binh Nguyễn Tấn Hưng nhanh tay rót ly trà thấm giọng, rồi kể tường tận về mảnh đất này từ thời bom đạn cho đến những khó khăn của kinh tế bao cấp. Hồi chống Mỹ, đất này là vùng kìm, đồn bót giặc bao quanh. Bao lứa thanh niên như anh chị em ông Hưng thời ấy gan dạ lắm, chuyện trốn nhà tòng quân đánh giặc nổi lên khắp xóm. Ông Hưng trở về sau cuộc chiến khốc liệt là thương binh 4/4, chị ông là thương binh 3/4. Cũng từ ấy ông Hưng thờ cúng người anh liệt sĩ.

Muôn vàn khó khăn cuộc sống sau giải phóng, nhưng ai nấy đinh ninh một điều, là dân tự do thì không gì quý hơn nữa, sức người sẽ làm nên tất cả. Ông Nguyễn Tấn Hưng được chọn làm Phó Chủ nhiệm  Hợp tác xã (HTX) điểm đầu tiên của huyện. “Ngày 19/5/1981, ngay ngày sinh nhật Bác, HTX kinh tế tổ chức đại hội đầu tiên. HTX chia thành 10 đội sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn ấp Chồn Gầm và ấp Rạch Bàu. Khi bàn đến tên HTX, người dân đều muốn chọn tên ấp mình để đặt, sau hồi lâu bàn bạc, đại biểu thống nhất lấy ngày tổ chức đại hội đặt tên cho HTX. HTX 19/5 ra đời từ đó”, ông Hưng hồi nhớ.

Ông Hưng say mê trồng cây, như lời ông bộc bạch “trồng cây để nhớ ơn Bác”, để làm đẹp quê mình.

Ông Nguyễn Thành Ban, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Khánh Bình, cũng là người rành về giai đoạn này. Ông Ban lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND xã, ông nhớ như in, đây là HTX điểm của huyện, nguồn lực được huy động rất lớn, HTX có 4 máy cày, 4 máy suốt, lò gạch, lò đường, trại đóng xuồng, quầy hàng… người dân được trả công theo điểm khoán, cấp tem phiếu nhận lúa hàng tháng. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), HTX ngưng hoạt động, đi đến giải thể. Tên của HTX được giữ lại đặt tên cho ấp – Ấp 19/5 ra đời từ thời điểm ấy.

19/5, từ tên HTX đến tên ấp đã để lại nhiều dấu mốc quan trọng của lịch sử địa phương. Ngoài những khó khăn, vất vả thì thời kỳ này cũng đem đến nhiều điều đáng trân trọng, phải giữ gìn. Đó là tinh thần nhân văn, đùm bọc nhau trong thời buổi thiếu thốn. Ông Ban đúc rút: “Việc xóa bỏ bao cấp và thay đổi cơ cấu nền kinh tế đã mang lại cho đất nước một diện mạo mới, quê hương 19/5 cũng không ngừng đổi thay từng ngày”…

Phấn đấu đi trước, về trước

Ấp 19/5 không chỉ có nhiều chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh, mà còn là nơi sản sinh ra nhiều cán bộ, đảng viên, giáo viên… của huyện, của xã, có đức, có tài. Mỗi câu chuyện trên mảnh đất này đều mang đến cho chúng tôi bao điều mới lạ và tâm đắc. Tự hào vùng quê mang tên ngày sinh của Bác, cán bộ, nhân dân trong ấp luôn đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương phát triển toàn diện. Ấp có nhiều cái nhất so với 8 ấp trong xã: Hộ nghèo thấp nhất, gia đình cán bộ nhiều nhất, gia đình đạt chuẩn văn hóa nhiều nhất, huy động sức dân mạnh nhất…

Địa giới của ấp gồm trung tâm xã, tuyến kinh Chồn Gầm và kinh Đường Ranh, với 380 hộ. Chúng tôi cùng anh Nguyễn Minh Hải, Bí thư Chi bộ ấp, đi một vòng quanh ấp, trên những con đường bê-tông rộng, hai bên bờ kinh đều là nhà tường kiên cố. Người dân làm ăn căn bản, khá giàu từ sản xuất lúa 2 vụ kết hợp trồng trọt, chăn nuôi… Ở kinh Đường Ranh có gần 40 nóc gia mang họ Dư, đều giàu có tiếng vùng này. Anh Hải cho biết, nay ấp chỉ còn 1 hộ nghèo, là người già neo đơn, mất sức lao động nên không cách nào xóa được. Cán bộ ấp thường xuyên vận động gạo, nhu yếu phẩm, thăm hỏi, động viên, giúp bà vui sống tuổi già.

Đất nhiều, khá giàu không gì lạ, những hộ đất ít cũng phát triển không kém khi biết tận dụng diện tích quanh nhà chăn nuôi, trồng trọt và làm những nghề theo nhu cầu xã hội. Nhà bà Bao Thị Duyên chỉ 2 công đất ruộng, vợ chồng mày mò biết được nghề đan lưới, lú, đáy… nhờ làm kỹ nên luôn đắt hàng, giúp cuộc sống gia đình ổn định. Bà Duyên nhiều năm nay tận dụng đất bên hông nhà, nuôi thành công gà nòi lai nối vụ, cứ 2 tháng cho xuất chuồng, từ 200 – 300 con mỗi đợt, lời 7 – 8 triệu đồng. Chúng tôi tâm đắc lời chia sẻ của bà Duyên: “Còn sức thì không sợ khó, sợ nghèo”.

Chuyện những người lính cụ Hồ, cán bộ, đảng viên thờ hoặc treo ảnh Bác tại nhà đã có nhiều trên khắp vùng Cà Mau, song đối với những người nông dân chất phác thì hiếm gặp. Ở xứ này lại có nhiều người dân thờ cúng Bác. Gia đình bà Trịnh Thị Hoàng đã thờ cúng Bác hơn 20 năm qua, bằng tấm lòng yêu kính Bác vô hạn. Bà Hoàng mộc mạc nói: “Hàng năm tôi làm mâm cơm cúng Bác vào 25 tết và 30 tết, giống như đưa – rước ông bà vậy. Ngày nào tôi cũng nhang khói đàng hoàng, ấm cúng. Lần nào coi ti-vi thấy Bác, tôi đều xúc động, thương Bác lắm, lãnh tụ mà cùng làm với dân, lo cho dân đủ thứ. Nếu không có Bác chắc dân mình không được như hôm nay”.

Gia đình bà Trịnh Thị Hoàng đã thờ cúng Bác hơn 20 năm qua, bằng tấm lòng yêu kính Bác vô hạn.

Những thế hệ đi trước như ông Hưng, ông Ban… ngày nay luôn sẵn sàng làm việc nghĩa vì quê hương, tạo sức lan tỏa cho bao người trẻ. Ông Hưng say mê trồng cây, như lời ông bộc bạch “trồng cây để nhớ ơn Bác”. Vườn nhà ông có mấy chục cây mai, được ông nâng niu chăm sóc, chỉ để dành tặng cho địa phương trưng bày tại nhà bia liệt sĩ, cho trung tâm văn hóa, trụ sở ấp… Còn ông Ban vừa vận động người thân, bạn bè hơn 20 triệu đồng, làm chỗ đậu xe cho phụ huynh đưa rước con thuận tiện tại Trường Tiểu học 3 Khánh Bình. Niềm vui tuổi già của họ là được tiếp tục cống hiến làm đẹp giàu quê hương…

Anh Nguyễn Minh Hải, Bí thư Chi bộ ấp hớn hở khoe với chúng tôi tuyến đường đèn năng lượng mặt trời vừa được lắp đặt hoàn thành 30 cây, kinh phí hơn 60 triệu đồng, đều do các cơ sở kinh doanh và người dân trên địa bàn đóng góp… Từ sự đồng thuận cao ấy, không lâu nữa, ánh sáng đường quê sẽ được phủ kín ấp, mang văn minh về từng ngõ nhà, nếp sống…

Cán bộ, nhân dân Ấp 19/5 luôn đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương phát triển toàn diện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *