Chuyện về những người vợ, người mẹ anh hùng…

Niềm vui tuổi già đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Đầy và người con gái là niềm tự hào về chồng, con và truyền thống gia đình.

Một dạ sắt son

Lại một đêm Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Đầy trằn trọc. Bà nhìn lên di ảnh của chồng, con rồi khóc. Trên chiếc giường cạnh mẹ, cũng có một phụ nữ khó ngủ, ôm hình ảnh chồng, miên man miền ký ức một thời son trẻ…

Mẹ Bùi Thị Đầy (ấp Nhà Máy B, xã Tân Phú, huyện Thới Bình) năm nay đã 94 tuổi, sống cùng người con gái. Tuổi cao, mẹ lúc quên lúc nhớ, tuy nhiên khi hỏi chuyện về chồng, về con, mẹ nhớ như in. Có lẽ đó là nỗi đau quá lớn đối với người phụ nữ bao lần gánh chịu mất mát người thân. Chồng và hai con trai của mẹ Đầy hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ nhớ lại: “Đó là năm 1959, trong lần làm nhiệm vụ, vì cứu đồng đội, chồng mẹ đã hy sinh. Nghe mấy chú kể, mặc dù bị trúng đạn, nhưng ông ấy đã cố gắng giấu súng, đạn… Khi quân lính tìm thấy xác, không thấy súng, chúng điên tức nói với nhau “thằng này lì quá, để tao mổ bụng xem gan nó lớn cỡ nào”. Khi mẹ hay tin, thì chồng của mẹ đã được đồng đội bí mật an táng.

Vợ liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Hận hạnh phúc bên các cháu.

Nỗi đau mất chồng ở tuổi 37 chưa nguôi ngoai, mẹ lại nén lòng tiễn hai người con trai nối bước cha. Rồi các anh cũng anh dũng hy sinh nơi chiến trường. Thời ấy, mẹ một mình gánh vác nuôi con và hoạt động công tác phụ nữ. Nợ nước, thù nhà không cho phép mẹ gục ngã. Mẹ cười nói: “Mẹ được tổ chức đặt biệt danh “Năm Khùng”, giả dạng khù khờ để qua mắt địch, có lần làm nhiệm vụ, bị phát hiện, mẹ giả vờ nói đủ chuyện như người khùng thật, bọn chúng nói với nhau “bà này khôn như quỷ chứ khùng gì”. Chịu bao mất mát, đau thương, mẹ Đầy vẫn kiên cường bám trụ, hoạt động cho đến ngày hòa bình và ở vậy cho đến giờ, để sống trọn trong nỗi nhớ chồng, con.

Tuổi già, mẹ Đầy sống ấm áp trong căn Nhà tình nghĩa, được sự chăm sóc chu đáo của người con gái, tên Ngô Thị Tơ, năm nay ngoài 60 tuổi. Chồng chị Tơ cũng là liệt sĩ, mới cưới nhau được một năm thì anh đã vĩnh viễn ra đi, khi chị đang mang thai con 7 tháng. Nhắc đến quá khứ, chị Ngô Thị Tơ mắt đỏ hoe: “Chồng hy sinh khi tôi mới 20 tuổi, sau này có nhiều chỗ hỏi cưới, nhưng thấy mẹ khổ cực một thời, tôi không đành lòng ra đi nên ở vậy phụng dưỡng mẹ cho đến hôm nay”. Chị tiếp lời: “Nhờ trời thương, tôi sinh được con trai, nó ngoan và hiếu thảo, biết chăm lo làm ăn, tôi thấy an lòng vì sau này có người lo hương khói trong nhà”.

Hài cốt của 4 liệt sĩ trong gia đình mẹ Bùi Thị Đầy được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Thới Bình; các chú, các anh đã mồ êm mả đẹp cùng đồng đội sum vầy nơi đất mẹ.

Hy sinh thầm lặng

Có bao người ra đi không trở lại sau cuộc chiến, là có bấy nhiêu người vợ, người mẹ không thể gặp lại chồng, gặp con mình. Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hai, 93 tuổi (Ấp 4, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) có hai con là liệt sĩ, nhưng chỉ một người được an nghỉ tại quê nhà, còn người con trai thứ hai của mẹ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Đó là nỗi trăn trở cả đời của người mẹ trung kiên. Mẹ rưng rưng: “Nó tên Lâm Văn Hùng, trong lần bắn xe lội nước thất bại, nhiều anh em hy sinh, đồng đội thằng Hùng báo. Đã tìm nhiều lần nhưng không thấy thi thể nó. Tôi cứ nuôi hy vọng, đi khắp các nhà tù, đồn bót dò tìm nhưng đều vô vọng. Lâu lâu tôi lại mơ thấy thằng Hùng, cái ngày dẫn nó đi hỏi vợ, còn 10 ngày nữa tới đám cưới thì nó đi mãi không về”. Nén đau buồn, mẹ mưu trí, dũng cảm tiếp tục tham gia công tác giao liên, binh vận cho đến ngày độc lập.

Và cũng biết bao người vợ trẻ, con thơ mỏi mòn trông ngóng dù biết rằng chồng, cha mình ra đi và không bao giờ trở lại. Những phụ nữ sống trong vùng địch tạm chiếm còn phải ngày ngày đối mặt với sự dụ dỗ, mua chuộc, khủng bố, đe dọa của kẻ địch… Năm 1973, trong lần đánh đồn Nghĩa Quân bị thất bại, chồng bà Nguyễn Thị Hận (Hai Khôn), xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, đã hy sinh. Ở cái tuổi 25, bà Khôn gồng gánh nuôi 2 con nhỏ, đứa thì bị bại liệt, đứa chỉ mới 5 tháng tuổi, phải nghị lực và “lì” lắm bà mới chống chịu được sự hăm dọa, khủng bố của địch. Bà kể mà mắt đỏ hoe: “Mỗi lần đến giỗ chồng, tôi đều lén lút nấu mâm cơm cúng, vậy mà cũng không yên, chúng kéo đến đập phá đổ bể lư hương. Có lần chúng đến xin gà, nhà không có, chúng bắn chỉ thiên rồi kêu tôi ngửi họng súng coi có mùi gì. Hay có lần chúng vừa bắn xong, kêu tôi phải tìm cho được đầu ti, nếu không sẽ giết cả nhà…”.

Qua rồi thời trẻ gian khó, mất mát, đau thương, bà Hai Khôn không còn thiết tha kết nối chồng vợ cùng ai, bà thân cò mưu sinh lo cho 2 con yên bề; tham gia công tác phụ nữ ở ấp, cộng tác viên y tế, dân số… Dù đến nay cuộc sống không mấy khá giả, nhưng bà thấy lòng yên vui và thầm nghĩ chồng mình cũng sẽ mỉm cười khi bà tiếp tục cống hiến cho quê hương.

Chiến tranh lùi xa, mỗi năm cứ đến các ngày kỷ niệm về chiến thắng, về lịch sử, và nhất là tháng 7 – tháng ý nghĩa với những hoạt động tri ân, những ký ức năm nào lại ùa về thổn thức. Mỗi khi nhớ đến chồng, đến con, những người phụ nữ ấy chỉ mong hòa bình được mãi mãi, đất nước ngày càng phát triển, để nhiều phụ nữ khác được sống ấm êm bên gia đình. Mẹ Bùi Thị Đầy bộc bạch: “Già rồi, giả sử có tiền bạc nhiều cũng chẳng thấy vui, mà thấy quê hương đổi mới từng ngày, địa phương thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tôi thấy an ủi và vui với niềm vui chung của quê mình”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *