Có 1.062 học viên được đào tạo theo Quyết định 1956

Trong năm 2017, Trung tâm đã đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Chính phủ và truyền nghề là 134 lớp với 6.241/3.560 học viên (trong đó dạy nghề theo Quyết định 1956 là 31 lớp với 1.062/960 học viên), đạt 175,3% kế hoạch tỉnh giao. Số học viên nghề nông nghiệp là 722 học viên, nghề phi nông nghiệp là 340 học viên.

Tại Trung tâm có 2 hình thức đào tạo: Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp với một số nghề như chế biến thủy sản, đan đát, may dân dụng… và đào tạo theo yêu cầu của người lao động tại địa phương.

Ông Hồ Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Để tạo điều kiện tìm việc làm sau khi học nghề cho học viên, Trung tâm chủ động tìm các đối tác trong và ngoài tỉnh như nghề chế biến thủy sản, sau khi học xong học viên sẽ được Xí nghiệp Chế biến thủy sản FFC – Khu Công nghiệp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân và Công ty TNHH TM&DVXNK; Thảo Như, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái nước nhận vào làm công nhân với mức lương bình quân từ 4,5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Có trên 85% học viên qua đào tạo đã tìm việc làm đúng với ngành nghề đào tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, số lao động tự tạo được việc làm ngay sau khi đào tạo nghề đạt so với yêu cầu đề ra. Đối với nghề nông nghiệp có trên 95% học viên có việc làm sau học nghề. Riêng hộ nghèo và cận nghèo trong năm khi tham gia học nghề đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, có 81 học viên thoát nghèo đạt 82% so với số học viên theo học.

Bên cạnh đó, một thực tế hiện nay là nghề may một số học viên qua đào tạo ra ngoài tỉnh tìm việc nhưng cũng có một số học viên khó thoát ly khỏi gia đình nên chưa phát huy được ngành nghề đã học.

Ông Liêm cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là một bộ phận lao động nông thôn chưa quan tâm tới việc học nghề. Việc phối hợp với các xã tuyển sinh mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn còn một ít nơi chưa nhiệt tình ủng hộ và chưa quan tâm đúng mức đến việc đào tạo nghề cho lao động ở địa phương.

Ông Liêm kiến nghị trong thời gian tới cần đầu tư xây dựng mới thêm phòng học lý thuyết, phòng học thực hành và khu ký túc xá cho học viên ở xa; phân bổ kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho Trung tâm để mua sắm trang thiết bị cho những nghề chưa có thiết bị hoặc những nghề thiết bị lỗi thời lạc hậu không còn sử dụng được nữa để đảm bảo việc dạy nghề.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Thân Đức Hưởng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Trung tâm cần hợp tác với các đơn vị để mời giáo viên về hướng dẫn cho học viên, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu theo học của học viên, đầu tư thêm trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu dạy và học của học viên”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *