Cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra của Đề án xây dựng Chính quyền điện tử

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau hoàn thiện và đi vào sử dụng đã tạo nhiều thuận lợi trong tiếp nhận và xử lý các thủ tục phát sinh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, Trung tâm Dữ liệu tỉnh được đầu tư hoàn thiện về hạ tầng thiết bị theo Đề án; việc quản lý, vận hành hệ thống đang được triển khai, áp dụng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 về an toàn thông tin. Nhằm đảm bảo cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được vận hành liên tục ổn định, năm 2018, tỉnh đã triển khai đầu tư Trung tâm Dữ liệu thứ 2 (DR Site); trang thiết bị CNTT tiếp tục được đầu tư tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã với tổng số 3.589 máy tính bàn, đạt tỷ lệ 93%, tăng 691 máy so với năm 2016; có 100% cơ quan, đơn vị nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được đầu tư mạng LAN kết nối Internet tốc độ cao.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng được khai thác để kết nối an toàn đến các máy chủ trong tỉnh và hệ thống của Chính phủ, bảo đảm an toàn kết nối cho người dùng đến các phần mềm dùng chung của tỉnh qua mạng Internet với tốc độ cao, kết nối thông suốt các đơn vị quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Đến nay, 100% các đơn vị cấp tỉnh, huyện và cấp xã hoàn thiện mạng cục bộ có kết nối Internet và thông qua Internet đăng nhập để sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và Một cửa hiện đại thí điểm 2 huyện, 1 thành phố được xây dựng, đưa vào hoạt động từ đầu năm 2017. Một cửa hiện đại các huyện còn lại và một cửa cấp xã tiếp tục được tỉnh đầu tư trang thiết bị trong năm 2018 thông qua dự án “Trang thiết bị CNTT cấp huyện, cấp xã giai đoạn II” với tổng số 82 máy vi tính để bàn, 107 máy Scan A4. Từ đó, góp phần đảm bảo cho cán bộ, công chức chuyên môn tại bộ phận một cửa có đủ phương tiện làm việc.

Đối với hạ tầng phần mềm, tỉnh đã có kiến trúc nền tảng để phát triển các phần mềm ứng dụng và dịch vụ công theo chuẩn nhất quán, tích hợp thuận tiện các ứng dụng có sẵn và có thể kết nối, liên thông với các ứng dụng do ngành dọc triển khai. Ngoài ra, kênh giao tiếp với người dân và doanh nghiệp được thiết lập, vừa trực tiếp vừa trực tuyến để tiếp nhận, trả lời phản ảnh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua Cổng cung cấp dịch vụ công, Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống một cửa điện tử.

Các phần mềm ứng dụng dùng chung của tỉnh tiếp tục được nâng cấp duy trì hoạt động và sử dụng rộng rãi trong các cơ quan nhà nước. Cụ thể, so với năm 2016, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tăng 43 đơn vị (470), tăng 450 người sử dụng (7.500); chữ ký số tăng 382 chữ ký (966); hộp thư điện tử công vụ tăng 1.300 (2.500). Phần mềm một cửa điện tử hiện nay có 139 đơn vị sử dụng (năm 2016 chỉ có 15 đơn vị).

Nhìn chung, các văn bản tài liệu giữa các cơ quan đơn vị đều được trao đổi trên môi trường mạng, chữ ký số đã được các cơ quan đơn vị chú trọng sử dụng ngày càng nhiều từ cấp tỉnh đến cấp xã. Cán bộ, công chức, viên chức đều được tập huấn sử dụng các hệ thống thông tin phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao hiệu quả làm việc, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí trong hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.

Cũng theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, việc ứng dụng CNTT trong Đề án tuy đạt được mục tiêu đề ra, nhưng so với yêu cầu thực tế về phát triển Chính phủ điện tử hiện nay thì việc triển khai ứng dụng trong cơ quan nhà nước vẫn còn chậm, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định mới về tiêu chuẩn công nghệ, tiêu chuẩn về chia sẻ kết nối dữ liệu dùng chung.

Nguồn ngân sách dành cho ứng dụng CNTT còn hạn chế, việc chuyển đổi cơ sở dữ liệu theo nền tảng kiến trúc CQĐT còn chậm…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải, Trưởng ban Chỉ đạo CQĐT, chỉ rõ: Mặc dù qua 3 năm thực hiện đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực, song với cái nhìn tổng thể, vẫn còn nhiều hạn chế. Trọng tâm là thói quen và cách làm của nhiều cán bộ. Chậm tiếp nhận cái mới, chưa thực sự quyết tâm trong xây dựng phần mềm, ứng dụng phần mềm vào hoạt động chuyên môn, công tác quản lý của ngành mình. Công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là thông tin tuyên truyền hệ thống dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Điều này được minh chứng qua số lượng nộp hồ sơ qua hệ thống này chiếm số lượng ít so với thực tế thủ tục phát sinh…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *